05/08/2020 13:03
Cái duyên khởi nghiệp của hai cô gái Hồ Thị Kim Oanh và Lê Thị Thanh Lịch (cùng 35 tuổi và cùng ngụ thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) đến một cách rất tình cờ.
Hồ Thị Kim Oanh cho biết, cách đây một năm, khi đang thưởng thức cốc trà nóng bằng một sản phẩm trà túi lọc do người bạn từ Lâm Đồng gửi tặng, trong đầu Oanh lóe lên suy nghĩ tại sao mình không sản xuất trà sâm, trong khi nguyên liệu tại địa phương đang sẵn có. Có được sự trợ giúp từ cô bạn Lê Thị Thanh Lịch - là thạc sĩ nghiên cứu sinh học tại Viện Sinh học Tây Nguyên, Oanh càng quyết tâm hiện thực hóa việc sản xuất trà túi lọc từ sâm dây Ngọc Linh.
Cả hai cùng đến Đà Lạt để trực tiếp tham quan cơ sở sản xuất trà túi lọc. Tại đây, Oanh và Lịch được người có kinh nghiệm 10 năm làm trà túi lọc chia sẻ rất nhiều kiến thức cơ bản về cách làm trà; những kinh nghiệm để trà thơm ngon mà vẫn giữ được các thành phần dinh dưỡng và hương vị của dược liệu quý.
Hai cô gái cho ra đời những mẻ trà túi lọc đầu tiên theo công nghệ Nhật Bản; đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, các cô bắt tay vào việc quảng bá, giới thiệu với bạn bè và khách hàng về sản phẩm trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh do cơ sở của mình sản xuất. Chỉ chưa đầy một tháng sau, sản phẩm này nhận được sự đánh giá cao của người thân, bạn bè và chính quyền địa phương.
|
Chưa dừng ở đó, nắm bắt cơ hội, Oanh và Lịch đăng ký tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Xuân 2020 ở thành phố Đà Nẵng. Tại đây, sản phẩm trà túi lọc của đôi bạn Oanh - Lịch thu hút sự chú ý đông đảo khách hàng tham quan và mua sắm. Được khách hàng ghi nhận đã tiếp thêm động lực để Oanh và Lịch mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nhà lồng sơ chế và trang thiết bị cơ bản phục vụ cho việc sản xuất tại chỗ, tạo việc làm cho nhiều lao động và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.
Còn chuyện về hai cô gái Trịnh Thị Duyên và Huỳnh Thị Phi Phụng cùng sinh năm 1991, cùng tốt nghiệp chuyên ngành Thủy sản Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng là minh chứng sinh động về phong trào khởi nghiệp.
Trịnh Thị Duyên cho biết, cách đây 2 năm, được người quen giới thiệu, cô và Phụng rủ nhau lập nghiệp ở vùng đất mới Măng Đen, nơi được ví von là "Đà Lạt thứ hai", với số vốn tổng cộng 200 triệu đồng.
“Chúng tôi quyết định khởi nghiệp với dịch vụ homestay vì ở Măng Đen còn rất nhiều biệt thự để trống. Thời điểm chúng tôi vừa đặt chân tới, Măng Đen còn chưa phát triển nhiều, nên giá thuê biệt thự để làm homestay chỉ có 4 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, chính quyền nơi đây cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Sau hai tháng sửa chữa và trang trí, homestay của chúng tôi chính thức khai trương từ tháng 4/2018 và bắt đầu hoạt động ổn định sau đó 1 năm. Phần diện tích xung quanh nhà, chúng tôi quyết định trồng các loại rau và cây ăn quả, vừa tạo mỹ quan cho căn nhà, vừa cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và khách lưu trú” - Trịnh Thị Duyên kể.
Sau hơn 2 năm lập nghiệp ở mảnh đất cao nguyên, cả Duyên và Phụng rất hài lòng với quyết định khởi nghiệp tại đây.
“Được sống thoải mái, vừa được trải nghiệm, vừa có thu nhập. Tôi hoàn toàn chủ động được thời gian, được làm những gì mình thích, đam mê chứ không bị bó buộc vào cuộc sống văn phòng 8 tiếng như hồi còn ở Thành phố Hồ Chí Minh” - Huỳnh Thị Phi Phụng cho biết thêm.
Cách đây 3 năm Phạm Tuấn Anh (sinh năm 1994 tốt nghiệp ngành Cơ khí động lực tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng)đến Măng Đen một thân một mình để lập nghiệp với hai bàn tay trắng.
Tuấn Anh cho biết: Lúc mới lên, tôi làm quản lý cho một khách sạn. Nói là quản lý nhưng do chỉ có 2 nhân viên nên việc gì tôi cũng làm, từ dọn dẹp phòng, đưa đón khách du lịch, kết nối khách du lịch có nhu cầu mua đất đầu tư tại Măng Đen và những người dân cần bán đất tại đây... Sau hai năm tích luỹ, tôi có một số vốn nhất định và quyết định ra riêng khởi nghiệp bằng cách đầu tư làm một biệt thự cung cấp dịch vụ homestay. Với kinh nghiệm 2 năm trong ngành khách sạn cùng sự nhiệt tình, tôi đã nhanh chóng thu hút được nhiều du khách ghé homestay mỗi dịp cuối tuần.
Dự định sắp tới của tôi là làm thêm một farm (trang trại) trồng rau quả hữu cơ, cùng dịch vụ farmstay (du lịch trang trại xanh) cho khách hàng trải nghiệm. Ước mơ của tôi là cùng với những bạn trẻ khác biến Măng Đen thành thị trấn đáng sống - Tuấn Anh cho hay.
Khi được hỏi về những điều nhắn nhủ với các bạn trẻ muốn lên Măng Đen lập nghiệp, cả Phi Phụng, Duyên, Tuấn Anh đều chia sẻ điều quan trọng nhất vẫn là ý chí để khởi nghiệp. Măng Đen còn rất nhiều cơ hội cho người trẻ, vì nơi đây còn thiếu nhiều dịch vụ, chỉ cần chịu khó làm việc, không ngại khó khăn buổi ban đầu thì ai cũng sẽ có cơ hội tại đây.
Dương Lê