Người nuôi cá sấu nước ngọt gặp khó

02/07/2020 06:13

Nguyên nhân chính dẫn đến việc giá cá sấu những năm gần đây giảm đi là do nhiều tỉnh trong nước nuôi ồ ạt với số lượng lớn, cung lớn hơn cầu. Hơn nữa, mấy tháng gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các thương lái không thể xuất sang thị trường Trung Quốc và Châu Âu nên chỉ mua với giá thấp để về giữ hàng, không dám mua nhiều.

Đến xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), hỏi thăm mô hình nuôi cá sấu nước ngọt của bà Đặng Thị Tánh có khá nhiều người biết, sẵn sàng chỉ đường. 

Gặp chúng tôi, bà Tánh lắc đầu: Chán lắm cháu ơi, đến kỳ xuất bán rồi mà không có đầu ra. Xong lứa này chắc tôi không nuôi nữa đâu, chỉ có lỗ thôi.

Bà Tánh kể, gia đình bà bắt đầu nuôi cá sấu vào năm 2010, do một lần đi chơi ở Đồng Nai, thấy nhiều gia đình ở đây làm giàu từ việc nuôi cá sấu, nên mua giống về nuôi thử.

Chi phí đầu tư ban đầu cũng không cao, xây 4 hồ rộng hơn 300m2 , rào lưới xung quanh và nhập 200 con giống, chi phí hết 200 triệu đồng.

Bà Tánh loay hoay tìm đầu ra của cá sấu nước ngọt. Ảnh: VT

 

Bà Tánh cho biết: Cá sấu là động vật ăn tạp nên cũng dễ nuôi, chi phí rẻ hơn nuôi gà công nghiệp, lúc còn nhỏ thì cho ăn cá tươi, phổi bò; khi lớn lên thì cho ăn nội tạng động vật, cá tươi, cá biển; 3 ngày cho ăn 1 lần.

Trung bình mỗi lứa cá sấu nuôi từ 18 - 24 tháng là có thể xuất bán, lúc này mỗi con nặng khoảng 15-25kg. Những lứa đầu tiên, nhờ nuôi đúng kĩ thuật, giá cả thị trường cao 180.000-200.000 đồng/kg, mỗi lứa như vậy gia đình bà thu lãi từ 100-150 triệu đồng.

Mấy năm gần đây, do giá thu mua cá sấu trên thị trường luôn ở mức thấp, từ 140.000 đồng/kg, giảm xuống còn 120.000 đồng/kg, rồi tụt xuống 80.000 đồng, 60.000 đồng/kg. Giá thấp, nên từ năm 2017 đến nay, bà Tánh chỉ nuôi một lứa hơn 100 con mà vẫn khó xuất bán được.

Bà Tánh nhẩm tính: Trung bình 3 ngày, phải chi 500.000 đồng mua thức ăn cho đàn cá sấu, như vậy mỗi năm tiền thức ăn hết hơn 60 triệu đồng, 3 năm hết khoảng 180 triệu đồng. Giá thu mua cá sấu hiện tại trên thị trường khoảng 80.000 đồng/kg, với khoảng 1,6 tấn cá sấu hiện nay, nếu bán tôi cũng chỉ thu được 130 triệu, vẫn còn lỗ mấy chục triệu, chưa tính công chăm sóc suốt 3 năm.

Đưa tôi đi tham quan chuồng nuôi cá sấu, bà Tánh cho biết: Ở Kon Tum, có rất ít người nuôi, còn ở các tỉnh khác, người ta nuôi ồ ạt, vì đa số là xuất đi Trung Quốc lấy da làm đồ thời trang. Trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, giá thu mua cá sấu vẫn trên ngưỡng 100.000 đồng/kg, nhưng tôi không muốn bán. Dịch xảy ra, các thương lái không thể xuất sang Trung Quốc, nên giá giảm mạnh.

“Bây giờ tôi cũng không biết nên làm thế nào, bán thì lỗ, tiếp tục nuôi thì chi phí lại tăng lên. Chưa năm nào buồn như năm nay, do dịch bệnh mà giá giảm kỷ lục, các thương lái cũng không dám mua nhiều vì sợ xuất đi nước ngoài không được” – bà Tánh trải lòng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Nam – Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho hay: Nguyên nhân chính dẫn đến việc giá cá sấu những năm gần đây giảm đi là do nhiều tỉnh trong nước nuôi ồ ạt với số lượng lớn, cung lớn hơn cầu. Hơn nữa, mấy tháng gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các thương lái không thể xuất sang thị trường Trung Quốc và Châu Âu nên chỉ mua với giá thấp để về giữ hàng, không dám mua nhiều.

Theo ông Phan Thanh Nam, người dân nên cân nhắc kĩ trước khi nuôi cá sấu, do giá cá sấu trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tăng lên, dù nuôi số lượng ít hay nhiều cũng cần có phương án đảm bảo đầu ra; phải có hồ sơ theo dõi việc nhập, xuất vật nuôi. Đặc biệt, cần liên hệ với cơ quan chức năng để thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong nuôi nhốt động vật hoang dã. 

Văn Tùng

Chuyên mục khác