21/11/2019 13:01
Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng, diện tích rừng tự nhiên tại xã Hòa Bình có rất nhiều cây sa nhân tím - một trong những loại cây dược liệu, dùng để làm thuốc. Tuy nhiên, trước đây, với tư duy “ăn xổi”, người dân trên địa bàn xã chủ yếu tự khai thác, không khoanh vùng chăm sóc. Đỉnh điểm, năm 2016-2017, khi giá sa nhân lên cao (7.000-10.000 đồng/kg), người dân đổ xô vào rừng tận thu cả trái non, không đảm bảo chất lượng.
Vài năm trở lại đây, khi được UBND xã giao đất, mở hướng, bà con tại thôn 2 đã thay đổi tư duy, tập trung khoanh vùng, chăm sóc cây sa nhân tím để vừa phát triển kinh tế, vừa giữ rừng. Từ 7ha ban đầu, đến nay, người dân đã nhân rộng lên gần 50ha.
Bên cạnh việc phát triển cây sa nhân tím, người dân còn tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên: thác, hồ, dự định đưa diện tích rừng cộng đồng trở thành điểm tham quan, du lịch. Anh Trương Phi Tứ - thôn 2, xã Hòa Bình cho biết: Thổ nhưỡng nơi đây rất hợp với cây sa nhân tím. Hơn thế, cây sa nhân tím chỉ cần trồng 1 lần, ít tốn công dọn dẹp thực bì nhưng cho thu hoạch đều hàng năm. Nhận thấy tính bền vững, hiệu quả kinh tế của loại cây này nên tôi trồng 7ha để tăng thu nhập, đồng thời có ý định chọn sa nhân làm điểm nhấn để phát triển du lịch...
Bên cạnh việc khai thác, tận thu hiệu quả dược liệu dưới tán rừng, xã Hòa Bình cũng phát triển các sản phẩm có lợi thế theo vùng tập trung với quy mô sản xuất phù hợp; đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân. Theo đó, xã chọn thực hiện thí điểm với mô hình trồng cây thanh long.
|
Sau khi đưa cán bộ phụ trách nông nghiệp cùng các hộ làm kinh tế giỏi đi tham quan, học tập mô hình tại các địa phương khác, xã đã hỗ trợ người dân xây dựng các vườn thanh long sử dụng mô hình tưới tự động, tiết kiệm điện, nước và tăng hiệu quả hấp thu phân bón. Người dân cũng chủ động áp dụng các biện pháp chiếu sáng, chăm sóc khoa học, tạo ra sản phẩm trái vụ cho cây thanh long ruột đỏ.
“Hiện nay, diện tích trồng thanh long của xã đạt khoảng 3ha. Nhờ ứng dụng công nghệ, các hộ dân cung cấp thanh long ra thị trường ổn định, chất lượng đảm bảo; giá thanh long từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cao cho bà con” - ông Phạm Phước, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết.
Bên cạnh các mô hình mới, với lúa - cây trồng chủ lực, xã đã tiến hành khảo nghiệm, tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật về giống lúa mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa… giúp người dân nâng cao năng suất.
Không chỉ thế, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, xã đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, góp phần tăng năng suất lúa của địa phương. Theo đó, 10 thành viên trong Tổ hợp tác Nông nghiệp xanh Hòa Bình tập trung sản xuất 6,9ha giống lúa RVT. Trong quá trình thực hiện, các thành viên họp, bàn bạc, thống nhất thực hiện tất cả các khâu theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Liêm - Tổ trưởng tổ hợp tác Nông nghiệp xanh Hòa Bình cho biết: Sản lượng vụ mùa ước tính khoảng 45 tấn lúa. Với việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa gạo an toàn, đến nay nhiều người đã đến đặt vấn đề thu mua sản phẩm của tổ hợp tác.
Là xã thuần nông với hơn 80% diện tích đất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người của xã Hòa Bình vào thời điểm cán đích nông thôn mới chỉ đạt 24,5 triệu đồng/năm. Đến nay, với những đổi mới trong tư duy sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân tính đến tháng 6/2019 đạt 35 triệu đồng/người/năm.
“Đời sống kinh tế của người dân được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo từ 10% giảm xuống dưới 6%. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất trăn trở về đầu ra cho sản phẩm cũng như còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng sản phẩm mang thương hiệu địa phương. Hiện tại chúng tôi đang đăng ký thương hiệu gạo sạch Hòa Bình tại cánh đồng mẫu lớn. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành có chính sách giúp ổn định giá, đảm bảo thu nhập cho bà con” - ông Phạm Phước, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình chia sẻ.
Bình An