Người dân vùng sâu làm thủy lợi

19/05/2023 06:10

Tại xã vùng sâu Ngọk Yêu của huyện Tu Mơ Rông, đã có hàng loạt công trình thủy lợi được người dân tự làm, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Công trình của dân

Xã Ngọk Yêu có 7 thôn với gần 1.700 khẩu; 98% dân số là người Xơ Đăng. Hiện trên địa bàn xã có 28 công trình thủy lợi lớn, nhỏ, cung cấp nước tưới tiêu cho 433ha lúa, trong đó có 300ha lúa do người dân xã Măng Bút (huyện Kon Plông) canh tác trên địa bàn xã Ngọk Yêu.

Điều hết sức đặc biệt, theo anh Lê Văn Hoàng- Chủ tịch UBND xã Ngọk Yêu, trong số 28 công trình thủy lợi ấy có tới 19 công trình do dân tự làm, năng lực tưới cho gần 70ha lúa.

Anh Lê Văn Hoàng cho biết, người dân ở Ngọk Yêu đã tự làm thủy lợi từ rất lâu rồi, các công trình thủy lợi đều gắn với ruộng lúa của dân. Vì địa hình Ngọk Yêu bị chia cắt bởi đồi, núi nên cánh đồng lúa lớn rất ít, đất trồng lúa manh mún, nhỏ lẻ nên người dân phải nỗ lực để tự làm thủy lợi, Nhà nước hỗ trợ một phần.

Hiện nay, trong số các công trình do dân tự làm, thủy lợi Đăk Kring ở làng Long Láy 2 là lớn nhất với năng lực tưới 8ha. Những ngày qua, khi nguồn nước đầu nguồn ít, người dân làng Long Láy 2 chủ động đào một mương dẫn nước vào kênh nhằm hạn chế nước từ đầu nguồn thoát ra ngoài.

Toàn tuyến kênh dẫn của công trình là do dân tự đào để dẫn nước vào ruộng. Trên cánh đồng rộng 8ha, có 2 điểm trũng không thể dẫn nước bằng kênh đất, dân phải làm kênh dẫn, chất liệu riêng. Quan sát thực tế, các kênh tưới ở 2 điểm trũng này có trụ đỡ kênh dẫn đàng hoàng bằng cây rừng.

Một đoạn kênh dẫn bằng gỗ của thủy lợi Đăk Kring. Ảnh: C.N

 

“Người dân tận dụng cây rừng, khoét rỗng ruột để đưa nước từ núi về các cánh đồng phía dưới. Mỗi khi mùa mưa, sạt lở, dân lại ra nạo vét kênh. Công trình thủy lợi này do dân ở 2 thôn Long Láy 2 và Ba Tu 2 cùng làm”- anh A Thoát, Trưởng thôn Long Láy 2 cho biết thêm.

“Người dân gieo lúa nước nhưng ở đây diện tích lúa rất ít, chủ yếu là gieo ở các khe suối. Nước tự nhiên, lúc thừa, lúc thiếu nên dân phải tự làm thủy lợi để chủ động nguồn nước. Chỉ mệt lúc ban đầu, sau khi công trình xong thì đỡ vất vả. Khi làm thủy lợi, dân chỉ có cuốc để đào, đắp, tận dụng  cây, đá suối để làm. Nhờ vậy mà lúa không thiếu nước”- anh A Dom ở làng Long Láy 2 khẳng định.

Được biết, ngoài thủy lợi Đăk Kring, người dân ở thôn Long Láy 2 còn làm thêm 4 công trình thủy lợi khác với năng lực tưới hơn 12ha.

Đồng hành cùng dân

Vì các công trình thủy lợi dân tự làm ở Ngọk Yêu đều là đập nhỏ có kênh dẫn nước bằng đất, nên để đảm bảo tuổi thọ cho công trình, giúp dân ổn định sản xuất, chính quyền xã đã hỗ trợ vật liệu để người dân sửa chữa, gia cố công trình.

Người dân làm công trình thủy lợi nhưng chính quyền xã phải quản lý, kiểm tra, hỗ trợ dân khi sửa chữa, đảm bảo an toàn cho công trình, giúp dân an tâm sản xuất- anh Lê Văn Hoàng cho biết.

Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ các rọ đá ở chân đập, với những điểm hay sạt lở, chính quyền đầu tư các đường ống nhựa có đường kính ống lớn để thay kênh đất, hạn chế ảnh hưởng khi sạt lở.

Nhiều tuyến kênh, đường ống nhựa dẫn nước dài hàng km để dẫn nước tới vùng tưới, như cụm công trình thủy lợi ở thôn Ba Tu 3, dân phải đào kênh dẫn dài 5km từ đỉnh núi về chống hạn cho 15 ha lúa của thôn, chính quyền hỗ trợ thay kênh đất bằng kênh ống nhựa.

Cánh đồng lúa thôn Long Lay 2 luôn đủ nước. Ảnh: CN

 

Với công trình có nguồn nước ít, yếu, chính quyền hỗ trợ đầu thu nước làm bằng sắt, đặt ở đầu nguồn đễ dẫn nước vào kênh.

 “Những năm gần đây, Nhà nước hỗ trợ rọ đá, đường ống nhựa để dẫn nước nên công trình thủy lợi ít hư hỏng, phục vụ sản xuất tốt hơn. Trước đây, mưa nhiều là sạt lở, đất lấp kênh. Từ ngày có đường ống dẫn bằng nhựa ở các vị trí hay sạt lở nên dân bớt lo”- anh A Thoát cho biết thêm.

Cùng với việc hỗ trợ dân sửa chữa công trình, huyện Tu Mơ Rông cũng đã tính đến các phương án kiên cố hóa kênh mương ở tương lai. Theo ông Phạm Xuân Quang- Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Thực tế các công trình thủy lợi này người dân làm từ lâu, tận dụng khe suối dẫn nước tưới. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích và hỗ trợ người dân triển khai, đồng thời sẽ khảo sát các công trình có diện tích tưới lớn để có kế hoạch đầu tư phù hợp.

Riêng với thủy lợi Đăk Kring, huyện khảo sát và dự kiến sẽ đầu tư để kiến cố hóa kênh mương. Đây là công trình có diện tích tưới lớn cho người dân 2 thôn Long Láy 2 và Ba Tu 2. Có thể nói, cùng với các công trình Nhà nước đầu tư, người Xơ Đăng tự làm thủy lợi đã giúp đảm bảo duy trì diện tích lúa nước, hạn chế  phát triển lúa rẫy, giúp ổn định và đảm bảo an ninh lương thực- ông Phạm Xuân Quang đánh giá. 

Không chỉ chú trọng làm thủy lợi, những năm gần đây, người Xơ Đăng ở xã Ngọk Yêu được chính quyền vận động, hỗ trợ phát triển các loại cây công nghiệp cho năng suất, hiệu quả cao. Cụ thể, nhờ chính quyền hỗ trợ, hướng dẫn, người dân xã Ngọk Yêu đã trồng được 224ha cà phê xứ lạnh, vụ thu hoạch vừa qua, toàn xã thu hơn 500 tấn quả tươi. Cùng đó, chính quyền huyện, xã cũng đang khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển cây dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh. Nhận thấy lợi ích to lớn từ cây sâm, những năm qua, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã vận động nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn hỗ trợ dân cây giống để trồng sâm Ngọc Linh. Đến nay, người dân đã trồng được hơn 2ha.

Trong những năm gần đây, vấn đề lương thực ở Ngọk Yêu luôn được đảm bảo. Có thể nói, trong thành quả trên có sự đóng góp rất quan trọng của những đập thủy lợi do người dân tự làm.          

Cao Nguyên

Chuyên mục khác