Người dân phấn khởi vì tỷ lệ sâm Ngọc Linh nảy mầm cao

16/05/2025 06:00

Sau khoảng 4 tháng gieo hạt, đến nay tỷ lệ sâm Ngọc Linh nảy mầm cao, đạt từ 85-90%, nên người trồng sâm trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông rất phấn khởi.
Vườn sâm Ngọc Linh của ông A Nhôi đạt tỷ lệ nảy mầm cao. Ảnh: TH

 

Gia đình ông A Nhôi (thôn Long Hy, xã Măng Ri) có hơn 500 cây sâm Ngọc Linh từ 2-10 năm tuổi. Đầu năm nay, gia đình ông đã xuống giống gần 1.000 hạt, sau 4 tháng tỷ lệ hạt nảy mầm hơn 85%, cây phát triển tốt nên ông rất phấn khởi.

Theo ông Nhôi, để đảm bảo tỷ lệ hạt giống nảy mầm cao, gia đình ông đã tiến hành xử lý đất trước khi gieo hạt khoảng 3-5 tháng. Trong mùa gieo hạt năm nay, nhờ kinh nghiệm tích lũy từ các vụ trước, cùng với thời tiết thuận lợi giúp cho hạt nảy mầm và cây phát triển tốt.

“Năm nay thời tiết thuận lợi, mưa sớm hơn mọi năm, nắng vừa phải, độ ẩm phù hợp để hạt sâm Ngọc Linh nảy mầm và cây con phát triển. Cùng với đó, bà con mình rút kinh nghiệm trong khâu xử lý đất từ những vụ trồng trước nên gieo hạt giống đạt tỷ lệ nảy mầm cao hơn so với mọi năm. Bỏ nhiều công sức ra chăm sóc, đến nay nhìn thành quả vườn sâm nảy mầm tốt, ai cũng phấn khởi” - ông Nhôi vui vẻ nói.

Cách vườn của gia đình ông A Nhôi không xa là vườn sâm Ngọc Linh của anh A Đức (xã Măng Ri). Anh Đức cho biết, gia đình trồng hơn 2.000 cây sâm Ngọc Linh từ 1-10 năm tuổi. Vừa qua, gia đình anh gieo mới khoảng 2.000 hạt giống sâm Ngọc Linh, đến nay tỷ lệ nảy mầm khoảng 90%.

Theo anh Đức, rút kinh nghiệm từ những vụ trước, năm nay gia đình tiến hành ủ đất mùn trước khi gieo khoảng 6 tháng. Đất ủ bao gồm lớp đất mặt dưới tán rừng, mùn gỗ, phân hữu cơ (phân chuồng) và vôi hòa trộn lại với nhau.

“Việc ủ đất nhằm làm cho các rễ cây trong lớp đất mặt mục nát, tạo độ xốp cho đất và xử lý mầm bệnh trong đất. Khi có hạt sâm Ngọc Linh, tôi lựa những hạt sâm đã chín đỏ để ươm giống tại khuôn đất được ủ sẵn. Nhờ khâu xử lý đất tốt và thời tiết thuận lợi, vườn sâm gia đình tôi gieo đạt tỷ lệ nảy mầm cao”- anh Đức bộc bạch.

Gia đình anh A Đề đã gieo gần 1.000 hạt giống sâm Ngọc Linh và đạt tỷ lệ nảy mầm khoảng gần 90%. Ảnh: TH

 

Tương tự, anh A Đề (thôn Tu Thó, xã Tê Xăng) đã gieo gần 1.000 hạt giống sâm Ngọc Linh. Đến nay, vườn sâm mới gieo hạt của gia đình anh nảy mầm gần 90% khiến anh rất phấn khởi. Không chỉ vườn sâm của các hộ nói trên mà vườn sâm của các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng như người dân ở trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông cũng đạt tỷ lệ nảy mầm cao.

Ông Nguyễn Minh Trí- Phó Chủ tịch UBND xã Tê Xăng cho biết, hiện diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã đạt 35,5ha. Trong năm 2025, huyện giao chỉ tiêu trồng mới 19,5ha sâm Ngọc Linh, đến nay người dân trên địa bàn xã đã xuống giống được 8,5ha, dự kiến đến hết tháng 9/2025 sẽ đạt chỉ tiêu được giao.

“Tỷ lệ sâm Ngọc Linh nảy mầm đạt khoảng 90% nên người dân trên địa bàn xã rất phấn khởi. Để đạt được tỷ lệ sâm Ngọc Linh nảy mầm cao, yếu tố thời tiết cũng rất quan trọng. Năm nay thời tiết thuận lợi hơn so với các năm trước, cộng với rút kinh nghiệm gieo giống của bà con từ những năm trước nên năm nay, tỷ lệ sâm Ngọc Linh nảy mầm cao hơn các năm trước khoảng 5-10%”- ông Trí cho hay.

Ông Dương Thái Khoa- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tu Mơ Rông cho biết, tổng diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện đến cuối năm 2024 là 2.883ha. Trong đó, diện tích sâm Ngọc Linh của người dân là 86,63ha, số còn lại là của doanh nghiệp. Diện tích sâm Ngọc Linh của người dân được trồng tại 10/11 xã trên địa bàn huyện (trừ xã Đăk Tờ Kan).

Theo ông Khoa, kế hoạch trồng mới cây sâm Ngọc Linh năm 2025 trên địa bàn huyện là 1.563ha, trong đó, trồng mới trong dân là 45ha và doanh nghiệp là 1.518ha. Đến nay người dân đã chuẩn bị giống trồng mới năm 2025 được 505.000 cây (khoảng 50,5ha) và đạt tỷ lệ nảy mầm trên 80%.

TRẦN HƯỚNG

Chuyên mục khác