09/04/2018 07:02
Cây bời lời thực sự mới chỉ bén rễ ở vùng đất Mường Hoong khoảng 6 - 7 năm trở lại đây khi nhu cầu thu các sản phẩm từ bời lời trên thị trường ngày càng cao, giá cả ổn định. Người dân dần nhận thấy hiệu quả kinh tế mà loại cây này mang lại nên đã mạnh dạn trồng và từng bước mở rộng diện tích, đến nay toàn xã có 115ha. Tuy diện tích chưa nhiều, đây cũng chưa phải là cây trồng chủ lực, nhưng bời lời đang giúp người dân Mường Hoong có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.
|
Chủ tịch UBND xã- Lê Bá Thế cho biết: Cây bời lời bắt đầu được trồng ở Mường Hoong từ năm 2011, khi loại cây này được huyện chọn là một trong những cây trồng chính để vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với sự hỗ trợ một phần về giống từ các chương trình, dự án; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kỹ thuật; xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước chuyển những diện tích đất trồng mì không hiệu quả, những khu vực nguồn nước không đảm bảo, đồi núi cao sang trồng bời lời. Bời lời được coi là “cây của nhà nghèo” bởi loại cây này khá dễ tính, thích nghi với mọi loại địa hình, tỷ lệ sống cao, không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật canh tác cũng như vốn đầu tư nên rất phù hợp với các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã.
Dẫu vậy, người dân Mường Hoong cũng không trồng bời lời một cách ồ ạt mà theo kiểu có đến đâu đầu tư đến đó, không nóng vội, không chạy theo trào lưu; mỗi năm trồng tích luỹ một ít. Do đó, việc trồng bời lời ở đây khá nhẹ nhàng, hộ nào cũng làm được vì không bị áp lực bởi vốn đầu tư, công sức bỏ ra ban đầu cũng như không gây ra hụt hẫng về nguồn thu khi chuyển đổi.
Hiện nay, nhiều diện tích bời lời ở Mường Hoong đã được khai thác. Song ở Mường Hoong, người dân không khai thác bời lời một cách đại trà mà chỉ khi nào thực sự cần tiền họ mới chặt tỉa để bán, cần nhiều thì chặt nhiều, cần ít thì chặt ít.
Cũng theo anh Lê Bá Thế, ưu điểm của loại cây này là không bắt buộc phải thu hoạch theo lứa, theo mùa, số lượng nhiều ít gì thì thương lái cũng thu mua hết. Do đó, chỉ khi nào cần tiền như chuẩn bị cho con vào năm học mới, sắm tết hay trong nhà có việc, người dân mới chặt bời lời để bán. Tuỳ thuộc vào số tiền cần nhiều hay ít mà người ta có thể chặt vài cây, vài chục cây hoặc vài trăm cây. Ở đây, người ta ví vườn bời lời giống như món tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, cần đến đâu, cần bằng nào người ta chặt bán bằng đó giống như là cách rút lãi hoặc rút một ít vốn để dùng còn lại vẫn để đó tiếp tục sinh lời. Được cái, cây bời lời để lâu cây càng to, giá trị cũng tăng lên nên người dân càng không nôn nóng thu hoạch.
Nhà A Ban (làng Mới) là một trong những hộ có diện tích bời lời lớn nhất xã Mường Hoong với 2ha. Hiện tại, hơn một nửa diện tích đã có thể thu hoạch nhưng A Ban không vội.
A Ban chia sẻ: Nhà mình có ruộng cấy đủ gạo ăn quanh năm, có cà phê, sâm dây cuối năm cũng thu được một khoản kha khá để làm việc lớn, còn vườn bời lời mình để dành khi nào cần tiền thì chặt bán ít một. Vườn cây để đó thì nó lớn thêm chứ có hao hụt đi đâu mà lo chặt vội.
Còn với nhà Y Tý (làng Đăk Rế), nhờ mỗi năm trồng một ít mà đến giờ nhà chị cũng đã có 5 sào bời lời. Lứa đầu tiên trồng năm 2011 đã được thu, khi nào nhà có việc cần số tiền không lớn như mua quần áo cho con, mua đồ dùng gia đình thì chị mới chặt bán cho thương lái. Y Tý tính toán: “Với giá bán 6.000 đồng/kg vỏ tươi, mỗi cây bời lời cho khoảng 6 - 8kg, mỗi lần mình chỉ cần chặt 5 – 10 cây cũng có một món tiền đáng kể để chi tiêu. Vẫn biết bán một lần thì thu được tiền cục, dễ làm việc lớn, nhưng bình thường cần thì lại không có cũng bí nên mình quyết định để dành vườn cây bán dần”.
Ngoài lợi ích về kinh tế, bời lời còn là cây góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải tạo đất và môi trường sinh thái. Vì thế, đây có thể được coi là một trong những loại cây lâm nghiệp góp phần tích cực vào việc mở rộng diện tích rừng và khuyến khích người dân làm giàu từ rừng ở Mường Hoong.
Thiên Hương