Người dân lo lắng vì mía chậm được thu mua

02/04/2024 16:22

Mấy ngày qua, chúng tôi liên tục nhận được phản ánh của người dân ở những vùng trồng nguyên liệu mía trên địa bàn thành phố Kon Tum về việc chậm thu mua mía. Điều này khiến người dân không khỏi lo lắng bởi nguy cơ cháy luôn rình rập.

Thành phố Kon Tum có diện tích mía lớn nhất tỉnh ta với hơn 830ha. Vụ thu hoạch mía bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán, tuy nhiên đến nay, dù đã hết tháng 3 nhưng trên địa bàn thành phố vẫn còn hàng chục héc ta vẫn chưa được thu hoạch. Trong khi đó, mùa vụ mới đã bắt đầu, thực trạng đó khiến người dân vùng nguyên liệu mía chưa thu hoạch như ngồi trên đống lửa.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu trong vụ này người dân trồng mía bày tỏ sự lo lắng. Bởi, mới hồi đầu tháng 3, sau khi các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh thực trạng này, UBND thành phố Kon Tum đã làm việc trực tiếp với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum và Công ty cam kết sẽ thu mua hết diện tích mía còn lại của người dân trong tháng 3 và cam kết hỗ trợ chi phí chặt mía đối với những diện tích được thu hoạch sau Tết Nguyên đán, với mức hỗ trợ là 20.000 đồng/tấn mía nguyên liệu sạch. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, đến hết ngày 1/4, vẫn còn hơn 60ha mía của người dân chưa được thu hoạch.

Hàng chục hécta mía tại cánh đồng Đoàn Kết vẫn chưa được thu hoạch. Ảnh: PN

 

Ngày 1/4, phóng viên Báo Kon Tum đi thực tế tại cánh đồng khu vực xã Đoàn Kết. Tại đây, chúng tôi chứng kiến nhiều diện tích mía chưa được thu hoạch. Lác đác một số khu vực có người dân thu hoạch mía chờ xe đến chở.

Ông A.D (thôn Kon Hngo Klah, xã Ngọc Bay) trồng mía tại cánh đồng thuộc xã Đoàn Kết rất lo lắng bởi gia đình hiện vẫn còn 4 sào mía chưa thu hoạch được. Đến nay, Công ty chưa cho chặt nhưng mình phải chặt thôi, chờ 3 ngày rồi mà chưa thấy xe Công ty đến chở. Nếu mưa xuống là xe sẽ không vào được.

Thời tiết ở Kon Tum đang nắng nóng gay gắt, việc chậm thu mua làm cho cây mía đang khô dần trên những cánh đồng, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chữ đường, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất niên vụ tới.

Anh A.P (thôn Kon Hngo Klah, xã Ngọc Bay) cho hay: Tôi trồng gần 3 sào mía năm thứ 4. Hiện tại mía chưa chặt. Tôi hỏi bên nông vụ Công ty thì họ bảo chưa cho chặt. Giờ mía khô hết rồi, nắng nóng nữa sẽ làm tụt sản lượng. Tôi chỉ mong muốn được chặt mía rồi chở lên nhà máy thôi.

Còn theo lái xe N.V.L (chuyên lái xe chở thuê ở Kon Tum) cho biết: Trong tuần vừa qua, tôi chỉ chở được 3 chuyến mía nhập cho Công ty. Muốn chở nhiều cũng không được vì lượng mía chở từ Gia Lai lên nhiều, có ngày, cả chục xe. “Nếu được nhập đều đặn thì mình ở ngay tại tỉnh mỗi ngày có thể chạy được một chuyến. Điều đó cũng vừa giải quyết kịp thời mía của người dân mà chúng tôi cũng có thu nhập”-  anh L cho hay.

Tương tự, anh N.V.T cùng 5 người khác ở tỉnh Phú Yên lên đây chặt mía thuê nhưng họ cũng chỉ ngày làm ngày nghỉ vì không có người thuê. “Chúng tôi ai cũng muốn có việc làm thường xuyên, chứ ngày làm ngày nghỉ thế này vừa mất công, vừa giảm thu nhập”-anh T chia sẻ. 

Xe đến thu mua mía. Ảnh: P.N

 

Việc chậm thu mua mía cho người dân còn khiến bà con vô cùng lo lắng bởi nguy cơ cháy có thể xảy ra. Thực tế, hồi đầu tháng 3/2024, cũng tại cánh đồng Đoàn Kết đã xảy ra một vụ cháy làm thiệt hại gần 6ha mía của 10 hộ dân.

Trước đây, sau khi các cơ quan báo chí phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng ngành chức năng kiểm tra, xử lý. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty đã cam kết sẽ thu mua dứt điểm diện tích mía còn lại của người dân trong tháng 3. Tuy nhiên, đến nay, việc thu mua của Công ty vẫn chưa thực hiện đúng như đã cam kết.

Theo thông tin từ UBND thành phố Kon Tum, lãnh đạo UBND thành phố đã đi kiểm tra thực tế việc sản xuất tại Công ty Cổ phần Đường Kon Tum và Công ty tiếp tục cam kết đến ngày 10/4 sẽ thu mua hết diện tích mía cho người dân.

Với người nông dân trồng mía, đặc biệt là đồng bào DTTS thì cây mía được xem là nguồn thu nhập lớn của gia đình, vì vậy, người dân trồng mía mong muốn Công ty thu mua hết mía cho người dân theo đúng như cam kết, tránh đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Ngoài ra, cần phải thực hiện thu mua đúng lịch thời vụ trong niên vụ tiếp theo để người dân an tâm, tin tưởng và tiếp tục đồng hành trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu mía.         

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác