Người dân được tiếp cận nhiều nguồn lực để thoát nghèo

01/01/2019 13:18

​3 năm qua, tỉnh Kon Tum đã tập trung nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Giảm nghèo theo phương pháp giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Qua triển khai thực hiện Đề án đã tạo cơ hội cho người nghèo được tiếp cận các nguồn lực phát triển kinh tế, tăng hưởng thụ các dịch vụ văn hóa - xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch của hộ nghèo về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm dân cư trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo

Cuối năm 2016, tôi có dịp đi cùng đoàn công tác của Sở LĐ-TB&XH về thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) kiểm tra tình hình thực hiện Dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP với mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản, bằng hình thức luân chuyển nguồn vốn vay không tính lãi”.

Giai đoạn 2014-2016, toàn thị trấn có 30 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn mua bò sinh sản không tính lãi với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Đến thời điểm kiểm tra - năm 2016 - có 14/30 hộ thoát nghèo và trả lại nguồn vốn vay ban đầu là 10 triệu đồng/hộ; các hộ hưởng lợi từ dự án đã phát triển đàn bò sinh sản từ 30 con lên 71 con.

Tháng 11/2018, quay trở lại thị trấn Đăk Rve, chúng tôi càng vui hơn khi được anh Đỗ Xuân Nguyên - cán bộ Văn hóa - Xã hội của thị trấn cho hay, hiện tại, có 18/30 hộ được hỗ trợ từ dự án đã thoát nghèo và tổng đàn bò của dự án tăng lên 105 con. Điều phấn khởi là, thông qua dự án, bà con đã biết cách tính toán làm kinh tế hiệu quả hơn. Từ đàn bò gầy được, nhiều hộ đã đầu tư mua tư liệu sản xuất, phương tiện đi lại, xây dựng nhà cửa, nuôi con ăn học…

Hiệu quả từ dự án PRPP, năm 2017, thị trấn Đăk Rve được tỉnh chọn triển khai mô hình “Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò sinh sản”, để lồng ghép cụ thể hóa Đề án Giảm nghèo theo phương pháp giảm nghèo đa chiều tỉnh (gọi tắt là Đề án giảm nghèo tỉnh) giai đoạn 2016-2018.

Nhờ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều hộ dân ở xã Ia Chim đã đầu tư phát triển mô hình thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đ.T

 

Tổng kinh phí thực hiện mô hình gần 400 triệu đồng với 25 hộ nghèo hưởng lợi, trong đó vốn hỗ trợ 250 triệu đồng, vốn đối ứng của các hộ tham gia 150 triệu đồng (từ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Rẫy). Đến nay, đã có 16 con bê được sinh sản, nâng tổng đàn bò dự án hỗ trợ lên 41 con.

Theo ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thị trấn Đăk Rve là 1 trong 29 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có mô hình giảm nghèo hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Trung Thuận thông tin thêm: Sau 3 năm triển khai dự án, 29 mô hình giảm nghèo ở 10 huyện, thành phố Kon Tum đã lồng ghép các chương trình, dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với 724 hộ nghèo hưởng lợi. Thông qua các mô hình giảm nghèo tiêu biểu này đã có 588 hộ thoát nghèo, đạt tỷ lệ 81,21% so với tổng số hộ nghèo tham gia dự án (số hộ nghèo còn lại chưa đủ thời gian 3 năm tham gia dự án nên chưa thể đánh giá).

Cơ hội giảm nghèo đa chiều

Bên cạnh các mô hình giảm nghèo được triển khai hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân nghèo, Đề án giảm nghèo tỉnh còn dành không ít nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, dự án phát triển kinh tế -xã hội ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo để lồng ghép, tạo cơ hội giúp hộ nghèo tăng tỷ lệ hưởng thụ (còn thiếu hụt) về các dịch vụ cơ bản văn hóa, y tế, giáo dục, nước sạch vệ sinh môi trường, nhà ở, an sinh xã hội…

Cụ thể, trong 3 năm qua, toàn tỉnh có 28.990 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 23,03% so với tổng số hộ dân trên địa bàn) được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thông qua thực hiện Đề án giảm nghèo của tỉnh.

Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện, xã, thôn được thực hiện đúng quy định, như xây dựng 86/86 trạm y tế   xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% xã, phường, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 100% trẻ em các vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, nghèo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về nơi ăn ở, học tập...

Cùng với đó, từ các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng cơ bản của tỉnh, Trung ương thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã giúp các địa phương triển khai thực hiện được trên 500 công trình, dự án xây dựng hệ thống đường giao thông, 28.114 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 3.000 căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng, sửa chữa mới…

Những sự đầu tư và hỗ trợ cho người nghèo được tiếp cận các nguồn lực phát triển sản xuất, tăng thu nhập và được hưởng lợi các dịch vụ xã hội cơ bản trên đã góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch của người dân về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm dân cư trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm đã có 10.519 hộ thoát nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,56%/năm.

Mai Trâm

Chuyên mục khác