Người dân đua nhau lắp điện năng lượng mặt trời

12/07/2019 13:00

Với ưu điểm là thân thiện với môi trường, có thể bán lại điện năng khi sử dụng không hết và giúp hạn chế việc phải mua điện ở bậc thang có mức giá cao, điện năng lượng mặt trời đang được nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh lựa chọn. Việc khách hàng tích cực đầu tư lắp nguồn điện này còn chia sẻ gánh nặng về nguồn cung cho ngành Điện.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 69 khách hàng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái và thực hiện việc mua bán điện với Công ty Điện lực Kon Tum với tổng công suất 716 kWp.

Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết: Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ điện của các gia đình đều rất lớn khiến chi phí tiền điện tăng cao và gây ra áp lực rất lớn về nguồn cung cho ngành Điện, nhất là vào những thời điểm nắng nóng. Ở tỉnh ta, có lợi thế là nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời và số giờ nắng rất cao, khoảng 5,1 - 5,3 kWh/m2/ngày nên rất phù hợp với việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời. Đây là nguồn điện thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thế giới nên thời gian qua ngành Điện tích cực tuyên truyền, giới thiệu, vận động khách hàng đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Ưu điểm của hệ thống điện mặt trời áp mái là có thể lắp đặt trên mọi loại mái nhà như mái tôn, mái ngói, mái bê tông… Hệ thống không sử dụng ắc quy nên chi phí đầu tư và bảo dưỡng thấp; thao tác vận hành đơn giản; dễ dàng nâng cấp mở rộng hệ thống; tuổi thọ của hệ thống pin năng lượng mặt trời cao.

Khi khách hàng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, Công ty Điện lực Kon Tum sẽ hỗ trợ thay thế công tơ điện thông thường bằng công tơ 2 chiều. Khách hàng dùng điện vào buổi tối hoặc khi công suất tiêu thụ lớn hơn mức điện phát ra của hệ thống điện mặt trời thì nguồn điện sẽ kết nối, sử dụng với điện lưới, còn khi điện mặt trời sản sinh dư sẽ tự động phát điện lên lưới để bán cho ngành Điện. Công ty Điện lực Kon Tum căn cứ trên chỉ số mua điện và phát điện để thu tiền và thanh toán lại cho khách hàng. Điểm đặc biệt là khi sử dụng điện mặt trời, mức điện tiêu dùng của mỗi gia đình giảm đi đáng kể và tránh rơi vào mức điện bậc thang lũy giá cao; đồng thời, khách hàng lại được bán điện với mức giá cao, hiện tại là 2.134 đồng/kwh, cao hơn giá mua điện ở bậc 1 và bậc 2.

Công ty Điện lực Kon Tum hướng dẫn khách hàng sử dụng bộ tủ điện hòa lưới điện năng lượng mặt trời. Ảnh: TH

 

Giữa tháng 5, anh Nguyễn Văn Mỹ (số nhà 93, đường Âu Cơ, thành phố Kon Tum) đã chi 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 3,15 kWp. Từ đó đến nay, nhiều thời điểm hệ thống điện mặt trời do anh lắp đặt chẳng những đủ dùng trong sinh hoạt gia đình mà còn dư để phát lên lưới điện quốc gia.

Anh Mỹ chia sẻ: Trước đây, bình quân mỗi tháng gia đình tôi trả từ 450.000 - 500.000 đồng tiền điện, nhưng từ khi lắp hệ thống điện mặt trời áp mái, tôi chỉ trả chưa tới 200.000 đồng/tháng. Trong khi đó, tháng trước, tôi được ngành Điện trả 700.000 đồng tiền bán điện. Tính ra, tôi lợi cả đôi đường, vừa trả tiền điện ít, vừa được nhận về. Cứ đà này, chỉ khoảng 5-6 năm là tôi lấy lại vốn, trong khi đó thiết bị được bảo hành đến 25 năm.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Phong Lưu (tổ 10, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) đưa ra con số tính toán nhanh: Tháng trước, tôi mới lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời được 10 ngày, vậy mà tiền điện của nhà tôi đã giảm được 300.000 đồng, từ mức 800.000 đồng/tháng bình quân xuống còn 500.000 đồng. Mặt khác, tôi lại được nhận về hơn 700.000 đồng. Tháng này, tôi chắc chắn rằng mức tiêu thụ điện lưới của gia đình tôi sẽ giảm mạnh hơn và lượng điện bán ra sẽ cao hơn; sang đến mùa nắng thì lợi nhuận sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Thực tế, việc các hộ dân trên địa bàn tỉnh lắp đặt, sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái mới phát triển kể từ đầu tháng 5 trở lại đây. Vì vậy, nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn không biết mỗi hộ gia đình cần lắp hệ thống công suất bao nhiêu thì đủ dùng và có dư để bán cho ngành điện, rồi chi phí lắp đặt ban đầu, lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn…

Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (huyện Đăk Hà). Ảnh: TH

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phương thông tin thêm: Với một gia đình từ 4 -5  người, sử dụng các thiết bị tiêu dùng thông thường như tủ lạnh, ti vi, điều hòa, máy giặt… bình quân mỗi tháng sẽ tiêu thụ khoảng 180 - 220 kWh. Với mức này, mỗi gia đình chỉ cần đầu tư hệ thống khoảng 3kWp, với mức chi phí ban đầu khoảng 45 - 50 triệu đồng.  Vào những ngày nắng, mỗi ngày, hệ thống sẽ sản xuất được khoảng 16-17 kWh, ngày trời âm u hay mưa, hiệu suất phát sẽ giảm từ 50 - 80%. Theo tính toán của ngành Điện, chỉ sau khoảng 5 năm lắp đặt, người dân có thể thu hồi đủ vốn.

Không chỉ có các hộ gia đình đầu tư điện năng lượng mặt trời để tiết kiệm chi phí dùng điện mà một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt và sử dụng nguồn điện này để hạn chế việc mua điện lưới, nhất là mua vào những giờ cao điểm. Hiện, toàn tỉnh có 3 công ty và 1 trường học triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Không tốn chi phí vận hành, chi phí bảo trì thấp và thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, năng lượng điện mặt trời đang là xu hướng lựa chọn của nhiều khách hàng. Những tấm pin năng lượng mặt trời xuất hiện trong các khu dân cư và các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng nhiều nhằm phục vụ tốt cuộc sống sinh hoạt, sản xuất...

Trong 69 khách hàng đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, thành phố Kon Tum chiếm hầu hết với 62 khách hàng; huyện Ðăk Tô có 4 khách hàng; các huyện Kon Rẫy, Ðăk Hà và Ðăk Glei, mỗi địa phương có 1 khách hàng. TH

Thiên Hương

 

 

 

Chuyên mục khác