Người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ

01/04/2020 11:51

Chiều 31/3, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, do không nhận thức rõ vấn đề, nhiều người dân vẫn đổ xô mua các nhu yếu phẩm chưa cần thiết để tích trữ.

Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg 2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020.

Theo đó, việc thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày dựa trên nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn làng cách ly với thôn làng, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Điều này có mục đích hạn chế sự tiếp xúc không cần thiết giữa mọi người nhằm ngăn chặn hiệu quả sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác... Như vậy, người dân vẫn được ra ngoài đi mua đồ ăn, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu và các cửa hàng kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn mở cửa phục vụ nhân dân như thường ngày.

Thế nhưng, chiều tối 31/3, vẫn xuất hiện tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh đổ xô đi mua hàng tích trữ. Mặc dù, trước đó ngành Công thương tỉnh không ít lần lên tiếng khẳng định, các hệ thống phân phối bán nhu yếu phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn mở cửa hoạt động bình thường và số lượng hàng hóa bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Hành động theo “tâm lý đám đông”, thiếu suy nghĩ của nhiều người đã tạo ra sự tập hợp đám đông không cần thiết, trái với quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gây ra khan hiếm hàng hóa giả, là cơ sở cho một số tư thương lợi dụng trục lợi và làm xáo trộn hoạt động bình thường trên địa bàn tỉnh.

Người dân đổ xô mua hàng tích trữ chiều 31/3. Ảnh: BC

 

Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Kon Tum, vào chiều tối 31/3, tại một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Kon Tum tấp nập người chen chúc đi mua hàng tích trữ chẳng khác gì ngày 30 Tết.

Chúng tôi dạo quanh một vòng tại các địa điểm bán gạo, người dân tấp nập tranh mua, ai nấy cố mua bằng được một vài chục kilôgam gạo mang về nhà để dành.

Một chủ đại lý gạo nằm trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cho biết: Mọi hoạt động buôn bán đang diễn ra bình thường, bỗng nhiên vào khoảng 14 - 15 giờ trở đi người dân ở đâu bỗng nhiên lũ lượt đến mua gạo rất nhiều, hoàn toàn khác với hoạt động mua bán ngày thường. Tất cả các loại gạo ở trong kho không thiếu, nhưng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đại lý của tôi phải tăng cường thêm 2 người phục vụ nữa (là 4 người, gấp đôi trước đây) nhưng nhiều khi vẫn không kịp cân bán cho khách.

Theo quan sát của chúng tôi, giá gạo có lên đôi chút so với lúc trước, nhưng người mua vẫn đổ xô mua mà không quan tâm lắm về giá cả.

Tại các chợ, siêu thị, cửa hàng thuận lợi, người dân cũng đổ xô đi mua hàng về nhà dự trữ, tạo ra cảnh tấp nập mua bán, thậm chí là chen lấn nhau. Các mặt hàng được người dân mua nhiều nhất ở thời điểm này là lương thực như cá khô, mì tôm, miến, dầu ăn, hạt nêm, đường, bột ngọt, trứng, gạo, thịt... 

Tại các đoạn đường ngay Trung tâm Thương mại Kon Tum như Hoàng Văn Thụ, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Lê Hồng Phong và tại một số chợ vệ tinh khác như chợ Duy Tân, chợ phường Quang Trung... lượng người đổ xô đi chợ lúc chiều tối đông nghẹt, khiến nhiều người có cảm giác giống như phiên chợ chiều 30 Tết. 

Bà Trần Thị Thanh T. nhà ở Đoàn Thị Điểm (thành phố Kon Tum) đang ôm cả đống hàng hóa mua được (dầu ăn, muối, bột ngọt, cá khô, thịt heo, cà chua, mì tôm...) với tâm trạng vui vẻ cho biết: Tôi nghe nói kể từ ngày mai mọi quán xá đều buộc phải đóng cửa, mọi người không được ra đường, nên tôi cùng mấy chị em rủ nhau đi mua thực phẩm về để dành. Nhìn chung, người mua rất đông nhưng hầu hết giá cả tại các siêu thị, cửa hàng đều ổn định. Chỉ có một số mặt hàng tươi sống được bày bán ở lòng, lề đường khu vực Trung tâm Thương mại là có tăng lên đôi chút so với mọi khi...

Đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Kon Tum) chiều 31/3. Ảnh: BC

 

Bên cạnh có rất đông người đổ xô đi mua hàng về dự trữ theo hiệu ứng của đám đông thì cũng có không ít người chứng kiến cảnh này tỏ ra không hài lòng và bức xúc.

Chị Dung - một chủ nhà hàng ở huyện Ngọc Hồi cho biết, nhìn cảnh nhiều người “rồng rắn” đi mua lương thực, thực phẩm và xăng dầu về dự trữ chiều ngày 31/3 tôi thấy họ hành động khá nông nổi. Bởi cả nước (tất nhiên là có tỉnh ta) không bao giờ thiếu lương thực, thực phẩm và Nhà nước luôn bảo đảm cung ứng các mặt hang thiết yếu phục vụ nhu cầu cho người dân trong bất kỳ tình huống nào. Thế mà, nhiều người đồn đại rồi hùa nhau đi mua hàng hóa như “chưa bao giờ được mua”, làm náo loạn thị trường, gây bất an trong dư luận xã hội, tạo cơ hội cho những kẻ xấu tăng giá một số mặt hàng.

Cũng đồng quan điểm này, chị Nguyễn Thị Phượng ở đường Duy Tân (thành phố Kon Tum) khẳng định: Không nên đổ xô nhau đi mua về trữ, vì như thế sẽ vô tình đẩy giá cả một số mặt hàng lên cao. Tỉnh ta đâu có bắt siêu thị, chợ đóng cửa và cũng đâu cấm người dân đi chợ. Nếu có việc cần thiết phải ra ngoài thì chúng ta phải đeo khẩu trang và không tụ tập quá 2 người, mục đích là để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và cho cả người thân.

Đúng như lời của chị Phượng, sáng 1/4, theo khảo sát tại các chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị..., khách hàng vắng vẻ hơn thường lệ. Các hệ thống phân phối bán nhu yếu phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn thành phố Kon Tum vẫn mở cửa hoạt động bình thường và hàng hóa bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân.

Chợ vắng bóng người mua trong ngày 1/4. Ảnh: BC

 

Đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Kon Tum) sáng 1/4. Ảnh: BC

 

Một chị bán thịt heo tại Trung tâm Thương mại Kon Tum cho biết: Chiều hôm qua, quầy hàng của tôi vẫn thịt heo cũ do sáng bán không hết, nhưng đến giữa giờ chiều mọi người lại tranh nhau mua nên chỉ vài chục phút đã hết sạch. Sáng nay, thịt tươi ngon, dọn hàng ngồi đã hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng chưa bán mở hàng được đồng nào.

Trước tình hình trên, đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần quyết liệt vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đẩy giá lên cao và cả những kẻ tung tin thất thiệt nhằm trục lợi... Có như thế mới mong tránh được tình trạng tranh mua “bát nháo” như trên lặp lại trong thời gian tới.

Bảo Châu

   

Chuyên mục khác