Người dân chưa vội sắm tết

29/01/2018 07:14

​Từ chỗ ăn tết nặng về vật chất, dành nhiều thời gian cho việc mua sắm, tích trữ lương thực, thực phẩm, bánh kẹo…, vài năm gần đây, người dân đã chuyển sang mua sắm tết gọn nhẹ, đơn giản, hướng đến việc chơi tết nhiều hơn. Chính vì vậy, dù chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhưng sức mua trên thị trường vẫn khá yên ắng…

Theo quan sát của chúng tôi, các mặt hàng bánh, kẹo, mứt, rượu, bia, các giỏ quà tặng… phục vụ ngày tết đã được bày bán tràn ngập trên thị trường. Các siêu thị, chợ và các cửa hàng, đại lý đã sẵn sàng cung ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Tuy nhiên, khác hẳn với thời điểm này các năm về trước, người tiêu dùng thường chen nhau mua sắm quần áo, các loại bánh kẹo, rượu bia, đồ khô tích trữ để dành ăn tết, thì hiện nay hầu như không còn cảnh đó; thậm chí người dân vẫn còn khá dửng dưng với hàng tết.

Ngay cả những mặt hàng thực phẩm khô như măng, miến, gạo nếp, đậu; các loại quần áo may sẵn, hóa mỹ phẩm, giày dép thì sức mua cũng vẫn rất cầm chừng.

Mặc dù các siêu thị cũng đã triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá, cộng thêm với các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng; tuy nhiên, những ngày qua, sức mua vẫn không tăng, lượng hàng hóa tiêu thụ chưa có sự đột biến nào đáng kể. Có thể nói, lượng cung đầy đủ, nhưng cầu thì vẫn còn khá yếu.

Hàng hoá dồi dào, giá cả ổn định nhưng sức mua vẫn rất chậm. Ảnh: T.H

 

Theo khảo sát của phóng viên, sở dĩ người dân chưa mặn mà sắm tết vì những năm gần đây, thị trường hàng hoá phục vụ tết tương đối dồi dào, không lo tình trạng khan hiếm nguồn cung hay đội giá nên hầu hết mọi người đều có tâm lý đủng đỉnh.

Chị Nương (đường Nông Quốc Chấn, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Giá cả bình ổn, nhu cầu ăn uống hiện nay cũng không nhiều, nên gia đình tôi chỉ sắm tết gọn nhẹ. Nhà tôi cũng đang tham khảo các tour du lịch, dự định chỉ ăn tết đến ngày mùng 2 sau đó đi du lịch đến hết thời gian nghỉ tết, nên khi nào gần tết tôi ra siêu thị mua ít hàng vừa đủ ăn vài ngày thôi.

Còn chị Nguyễn Thị Hường (đường Hoàng Thị Loan, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) thì kể: Những năm trước đây, tôi thường đi chợ mua bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt thật sớm để dành với hy vọng giá cả rẻ hơn và mua rất nhiều vì cứ lo tết đến lại thiếu giữa chừng. Nhưng thực tế năm nào cũng dư, thậm chí ra rằm tháng Giêng vẫn còn nhiều rất nhiều kẹo mứt, bia… vì không dùng hết. Năm nay, rút kinh nghiệm, tôi để gần tết mới mua cũng không đắt lên là mấy, mua ít rồi dùng hết đến đâu mua tới đó vì bây giờ siêu thị, chợ bắt đầu bán từ mùng 2 tết…

Đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng lên nên nhu cầu ăn uống không còn nặng nề như trước đây. Vả lại hiện nay, các kênh mua sắm rất đa dạng, hàng hoá chỗ nào cũng dồi dào, giá cả cạnh tranh.

Ngoài kênh mua sắm truyền thống là tại các cửa hàng, siêu thị, chợ, thì hiện tại kênh mua sắm online đang khá thịnh hành, chỉ cần một cái click chuột là hàng hoá được giao tận nhà mà không phải mất công đi lại nên tết năm nay kênh mua hàng này được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Hiện tại, sức mua hàng tết trên thị trường vẫn còn ảm đạm, nhưng các tiểu thương, siêu thị vẫn đang hồi hộp chờ sự “đột phá” những ngày giáp tết.

Theo dự báo của Sở Công thương cũng như nhận định của các nhà kinh doanh, hiện nguồn cung hàng tết rất dồi dào, phong phú nên nhiều khả năng sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, gây sốt giá cục bộ trong dịp tết. Sở Công thương cũng đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, doanh nghiệp đầu mối điều phối nguồn hàng, kiểm soát giá cả hàng tết.

Thiên Hương

Chuyên mục khác