Ngọc Hồi: Tạo sức bật từ đầu tư công

17/02/2024 13:12

Từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, huyện Ngọc Hồi đã phân bổ tập trung, khắc phục tình trạng dàn trải; ưu tiên bố trí vốn thực hiện các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách địa phương của huyện Ngọc Hồi là 493,71 tỷ đồng (trong đó, vốn tỉnh giao là 147,73 tỷ đồng; HĐND huyện giao là 345,98 tỷ đồng) đầu tư 48 dự án (gồm 4 dự án chuyển tiếp và 44 dự án khởi công mới).

Căn cứ kế hoạch vốn được giao, UBND huyện đã giao chi tiết cho các đơn vị, địa phương trên nguyên tắc phân bổ tập trung nhằm hạn chế tình trạng dàn trải; ưu tiên bố trí vốn thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhìn chung, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai xây dựng và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 kịp thời, đáp ứng yêu cầu và tiến độ triển khai thực hiện các dự án. Đồng thời đảm bảo các quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn của bộ, ngành trung ương, của tỉnh, các sở ngành liên quan- ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi nhìn nhận.

Nguồn vốn đầu tư công tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội huyện Ngọc Hồi phát triển. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Trong đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư cơ bản đã tập trung, chủ động hoàn thành các khâu chuẩn bị thực hiện dự án (như phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu), đảm bảo theo thời gian quy định. 

Trước khi quyết định đầu tư các dự án khởi công mới, UBND đều chỉ đạo  thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn. Thực hiện công khai các thông tin về kế hoạch triển khai thực hiện dự án, công trình để nhân dân biết, giám sát góp phần hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện có thể xảy ra.

Đến nay đã triển khai thực hiện 30 dự án, gồm 4 dự án chuyển tiếp, 26 dự án khởi công mới trong các năm 2021, 2022, 2023, đa số là dự án về giao thông, cầu treo, trụ sở làm việc, trường học, chỉnh trang đô thị. Đã giải ngân hơn 107,9 tỷ đồng, đạt hơn 31% kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025, đạt 79% kế hoạch vốn đã phân bổ giai đoạn 2021-2023 và 98% so với thực nguồn đã bố trí.

Đáng chú ý là một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân hằng năm cao, như nguồn vốn xổ số kiến thiết đạt 100% kế hoạch; nguồn vốn phân cấp cân đối theo Nghị quyết 63/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đạt 100% kế hoạch; nguồn vốn phân cấp hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đạt 100% kế hoạch.

Từ những con số thống kê cho thấy, các dự án được bố trí vốn tập trung; kỷ luật ngân sách được tăng cường; ý thức chấp hành quy định của các chủ đầu tư, các cấp, các ngành ngày càng tốt hơn.

Với hàng loạt dự án đã và đang được triển khai, có thể nói, huyện Ngọc Hồi đã sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công, từ đó góp phần hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng, tạo sức bật thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Các dự án từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ở Ngọc Hồi góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: HL.

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cả khách quan và chủ quan, cần được trung ương và các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.

Đáng chú ý là một số chính sách, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa phù hợp với thực tế sử dụng đất và nguyện vọng của người bị thu hồi đất, nên chưa tạo được sự đồng thuận. Dẫn đến “tắc” ở khâu giải phóng mặt bằng, không thể bàn giao mặt bằng sạch để nhà thầu triển khai thi công theo tiến độ dự án.

Trong khi đó, công tác khảo sát, lập dự án đầu tư của một số đơn vị  chưa đánh giá toàn diện, sát đúng với tình hình thực tiễn, chưa dự kiến được những yếu tố tác động đến dự án, nên phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm chậm tiến độ.

Năng lực của một số chủ đầu tư còn có mặt hạn chế. Một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện lập thủ tục đầu tư các dự án, chưa chủ động lập thủ tục thanh toán, quyết toán khi dự án đã có khối lượng thi công hoặc đã thi công xây dựng hoàn thành.

Mặt khác, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn I từ năm 2021-2025, phải thực hiện thêm việc đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương, trong khi nguồn thu tiền sử dụng đất không đạt kế hoạch giao (do ảnh hưởng của thị trường bất động sản đóng băng) nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong bố trí vốn đối ứng.

Bước vào năm 2024, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, huyện Ngọc Hồi xác định điểm đột phá là tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong đó sớm phê duyệt giá đất cụ thể; chú trọng công tác vận động, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân; kiên quyết xử lý những đối tượng không chấp hành, cản trở công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định pháp luật.

Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, bảo đảm lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng tiến độ quy định. Kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch.

Kiên quyết không nghiệm thu công trình, các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về đầu tư công.

Bên cạnh đó, các phòng, ban, đơn vị, địa phương liên quan được yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực đầu tư công; phải xác định đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng, từ đó tăng cường hướng dẫn chủ đầu tư, chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc và hướng xử lý đối với từng dự án cụ thể.

Triển khai lập các quy hoạch mới trên địa bàn huyện Ngọc Hồi ngay khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 được phê duyệt để quản lý, khai thác tốt quỹ đất trên địa bàn huyện tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng theo kế hoạch đầu tư công trung hạn.      

Hồng Lam

Chuyên mục khác