20/05/2022 06:01
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Ngọc Hồi, với địa hình phức tạp; mùa mưa kéo dài (từ giữa tháng 6 đến tháng 11 hàng năm), mưa nhiều, có khi mưa to và rất to trên diện rộng, những năm gần đây, địa phương thường phải đối diện với sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
Riêng trong năm 2021, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng, có nơi mưa to, gió lốc làm thiệt hại khá nặng nề về công trình công cộng và nhà cửa, sản xuất của nhân dân.
|
Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho thấy, tổng thiệt hại lên tới hơn 9 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là giao thông (4 tỷ đồng); cây trồng (3 tỷ đồng); thủy lợi (1 tỷ đồng), còn lại là các công trình công sở, trường học, nhà dân.
Sau khi xảy ra thiệt hại, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo các phòng ban liên quan và chính quyền các xã, thị trấn bị thiệt hại khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục để ổn định đời sống, sản xuất, đi lại của nhân dân. Trong đó ưu tiên cho việc đảm bảo giao thông thông suốt; kiểm tra, rà soát, cảnh báo khu vực nguy hiểm cho người dân biết để phòng tránh; hỗ trợ cho nhân dân khôi phục sản xuất.
Mùa mưa bão năm 2022 đã đến, với những dự báo thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, ngày càng cực đoan và khó lường. “Rõ ràng là trong tình hình hiện nay, yêu cầu đối với công tác ứng phó thiên tai ngày càng cao”- ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Việt, bước vào mùa mưa bão năm nay, để bảo vệ an toàn tính mạng người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, huyện Ngọc Hồi xác định phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện nghiêm chế độ ứng trực 24/24; lực lượng, phương tiện, trang thiết bị luôn trong tình trạng sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Tính chủ động và luôn sẵn sàng trong mọi tình huống là yêu cầu đầu tiên trong mùa mưa bão năm 2022. Theo UBND huyện, chủ động để ứng phó nhanh nhất với thiên tai; luôn sẵn sàng là để giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.
|
Để đảm bảo mục tiêu trên, huyện ưu tiên triển khai sớm việc rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống hồ đập, công trình thủy lợi, giao thông để xác định cụ thể khu vực trọng điểm, giao cho địa phương giám sát chặt, bố trí nhân lực, phương tiện ứng trực phù hợp.
Qua công tác theo dõi, thực hiện phòng, chống thiên tai của các năm trước đã xác định được các khu vực trọng điểm, xung yếu như xã Đăk Ang, Đăk Dục, Đăk Nông và thị trấn Plei Kần, chủ yếu là ngập lụt và sạt lở đất bờ sông.
Riêng xã Đăk Ang được xác định là xã trọng điểm nhất, vì có vị trí chia cắt bởi sông Pô Kô, thường có lũ lụt, mưa lớn đầu nguồn, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân sống dọc sông Pô Kô.
Để đảm bảo tính chủ động, danh sách cụ thể các “điểm đen” và phương án ứng cứu, xử lý chi tiết đã được gửi tới từng đơn vị, địa phương. Hiện nay, các điểm xung yếu đều đã được cắm biển cảnh báo, hoặc tập kết phương tiện, vật tư (xe, rọ thép, đá hộc…); phân công lực lượng trực 24/24; có kế hoạch di dời các hộ dân đến nơi an toàn kịp thời khi xảy ra sự cố.
Sự vào cuộc tích cực của chính quyền cơ sở và cộng đồng là yếu tố cơ bản trong thực hiện phòng, chống thiên tai. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều được yêu cầu xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho từng vùng cụ thể theo phương châm “bốn tại chỗ”; tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người dân nhận biết những tác động xấu của thiên tai để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát những thôn, hộ dân cư sinh sống gần khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, sạt lở đất đá…(vùng ven sông, suối, sườn núi, đồi dễ bị sạt lở...). Những vùng có nguy cơ cao, phải kiên quyết tổ chức di dời dân đến nơi an toàn. Đối với các khu vực xung yếu khác, người dân luôn được hướng dẫn, cảnh báo và yêu cầu sẵn sàng di dời đến nơi an toàn mỗi khi có sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị dự phòng phòng, chống thiên tai và các loại vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết khác. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ người, tài sản và công trình khi có sự cố do thiên tai xảy ra.
Một vấn đề mà huyện Ngọc Hồi đặc biệt quan tâm trong công tác phòng, chống thiên tai năm nay, đó là dự trữ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác như xăng dầu, thuốc men, muối... Tất cả đều đã được đưa về các xã, thị trấn để bảo quản và chủ động trong sử dụng.
Thời tiết ngày càng có diễn biến cực đoan, bất thường và phức tạp. Với ý thức chủ động, phát huy hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” và sức mạnh của toàn dân tham gia phòng, chống thiên tai, tin rằng huyện Ngọc Hồi sẽ luôn sẵn sàng trước mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thành Hưng