01/07/2024 13:25
Dẫn chứng việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao là mô hình trồng cây mắc ca tập trung của HTX Đức Hân (xã Đăk Kan). Với diện tích 15ha, trước đây trồng cây cao su, cà phê, mì, hiệu quả kinh tế thấp, nhờ tiếp cận xu thế phát triển mới, từ năm 2019, HTX Đức Hân chuyển đổi sang trồng cây mắc ca với quy mô tập trung. Hiện nay, phần lớn diện tích cây mắc ca đã cho thu hoạch, bước đầu mang lại lợi ích kinh tế cao hơn các loại cây trồng trước đó.
Hay như mô hình chuyển đổi từ 5ha cây cao su, cà phê già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây sầu riêng của hộ ông Trần Quốc Vỹ (thôn Lộc Nông, xã Đăk Nông) cho thu nhập mỗi năm vài tỷ đồng. Mô hình chuyển đổi từ 1,5ha cây cao su sang trồng cây ăn trái của hộ ông Nguyễn Văn Thặng (thôn Ngọc Tiền, xã Đăk Xú) cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Mô hình chuyển đổi từ 2ha cây cao su già cỗi sang trồng cây mắc ca của hộ ông Nguyễn Văn Phước (thôn Ngọc Tiền, xã Đăk Xú) cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
|
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Xiêng Thanh Thành (thôn Nông Nội, xã Đăk Nông) để tìm hiểu vấn đề cải tạo vườn tạp. Mảnh vườn rộng hơn 1ha của ông trước đây trồng cây bời lời. Nhận thấy cây bời lời giá trị kinh tế thấp, giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg vỏ, từ năm 2018 đến nay, ông đã chuyển đổi trồng thay thế hơn 30 cây sầu riêng, cây mắc ca và một số cây ăn quả khác. Ông còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, chăm sóc vườn cây đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp huyện.
“Vườn cây bời lời trước đây chỉ cho thu nhập mỗi năm khoảng 20 triệu đồng, còn hiện nay, với các loại cây trồng mới, bước đầu đã thu được trên 120 triệu đồng năm 2023. Những năm tới, khi những cây sầu riêng và mắc ca trồng sau này cho thu hoạch, nếu giá cả ổn định, sẽ cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, gấp 10 lần so với trồng cây bời lời” - ông Thành bộc bạch.
Ông Võ Văn Út- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hồi nhìn nhận, thời gian qua, công tác chuyển đổi một số loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với việc cải tạo vườn tạp ở huyện Ngọc Hồi đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ tăng thu nhập, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu bằng công sức, trí tuệ của chính gia đình mình.
Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề khó khăn đặt ra cho các cấp chính quyền huyện Ngọc Hồi trong phát triển xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, đó là công tác dồn điền, đổi thửa, tích tụ và xây dựng cánh đồng mẫu lớn hiện chưa có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Địa hình đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ngọc Hồi phân bổ chủ yếu là đồi núi, có độ dốc cao, sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình, không tập trung nên chưa gắn với việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, việc vận động người dân thực hiện sản xuất theo nhóm hộ, tổ hợp tác nhằm phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đồng bộ về phương thức canh tác còn hạn chế.
|
Bên cạnh đó, hiện nay giá cả, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tăng nhưng không ổn định. Trên địa bàn huyện Ngọc Hồi chưa có doanh nghiệp thu mua sản phẩm cũng như đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, tinh chế các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm các loại cây ăn quả. Người dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng; chưa quen việc tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất hàng hóa mà chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt nên mạnh ai nấy làm.
Trong những năm tới, huyện Ngọc Hồi đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân các giải pháp kỹ thuật để kịp thời ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn các địa phương khảo sát diện tích các loại cây trồng già cỗi, hiệu quả thấp để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao hơn; chú trọng phát triển các mô hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp (hợp tác xã, tổ hợp tác), chuyển đổi theo hình thức sản xuất tập trung gắn với liên kết theo chuỗi giá trị một số cây trồng phù hợp như cây ăn quả, mắc ca, chanh dây, trong đó quan tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để ổn định sản xuất, nâng cao hệ số, giá trị canh tác trên một đơn vị sử dụng đất.
Quang Định