22/11/2017 07:19
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trước yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ rừng, UBND huyện, Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng huyện Ngọc Hồi triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, từng bước đưa công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn ngày càng đi vào nề nếp và hiệu quả hơn.
Giảm thiểu vi phạm
Theo ông Nguyễn Dũng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, dưới góc độ cơ quan tham mưu và thừa hành pháp luật về rừng, trong thời gian qua, Hạt tham mưu huyện ban hành kế hoạch triển khai Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác bảo vệ rừng; phát động phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; diễn tập quản lý bảo vệ rừng; thành lập các chốt quản lý bảo vệ rừng; tuần tra, truy quét tại các “điểm nóng”… ngăn chặn tình trạng vi phạm lâm luật.
|
Ở công tác tuyên truyền, chỉ tính từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện mở 40 cuộc tuyên truyền trên địa bàn 7 xã cho gần 2.000 lượt người tham gia; phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum thực hiện các chuyên mục quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng… Thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng.
Hướng về việc bảo vệ rừng tận gốc, kể từ tháng 2/2017 đến nay, huyện thành lập và duy trì hoạt động của các lực lượng tại 8 chốt ở các cửa rừng của các chủ rừng trên địa bàn xã Đăk Ang, Đăk Dục, Đăk Xú, Đăk Nông, Sa Loong và Bờ Y. Bên cạnh đó, UBND huyện và các xã thành lập các đoàn liên ngành tuần tra truy quét vào các vùng rừng có nguy cơ bị xâm hại. Ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các chủ rừng (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Ang), UBND các xã tổ chức nhiều cuộc tuần tra, truy quét tại các “điểm nóng”. Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện tổ chức 47 đợt tuần tra, truy quét phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Bằng những nỗ lực trong việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay, toàn huyện phát hiện và xử lý hơn 80 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu hơn 400m3 gỗ trái phép, 1 cưa xăng và nhiều phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép. Thông qua các biện pháp quyết liệt này, đến nay, các “điểm nóng” được kiểm soát, tình hình vi phạm lâm luật giảm thiểu đáng kể.
Những vấn đề đang đặt ra
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, mặc dù công tác quản lý bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến, nhưng tài nguyên rừng vẫn còn đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là còn một bộ phận người dân, nhất là người dân từ các nơi khác đến cư trú sống dựa vào rừng. Nếu các chủ rừng không tăng cường giao khoán rừng cho người dân và cộng đồng; không chủ động hơn nữa trong việc bố trí lực lượng bám rừng, tuần tra, truy quét và phối hợp với các ngành trong việc xử lý vi phạm thì các “điểm nóng” được “hạ nhiệt” có thể “nóng” trở lại.
Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra nữa được ông Dũng trăn trở là việc tiếp tục duy trì lực lượng tại các chốt bảo vệ rừng. Ông Dũng đánh giá cao những nỗ lực của các chốt trong việc ngăn chặn và hạn chế các vụ xâm hại rừng. Tuy nhiên, để các chốt hoạt động tốt, bên cạnh sự quan tâm của huyện, các chủ rừng cần dành một nguồn kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ thêm cho các lực lượng trực chốt, nhất là các lực lượng không chuyên trách như công an viên, dân quân trực chốt bảo vệ rừng. Khi chủ rừng biết chia sẻ quyền lợi với các thành viên trong chốt thì công tác quản lý bảo vệ rừng trong khu vực sẽ hiệu quả hơn.
Xác định những nhiệm vụ đặt ra trong công tác quản lý bảo vệ rừng, ông Dũng cho biết, trong thời gian đến, lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác tham mưu chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát trách nhiệm bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của các chủ rừng; tổ chức các cuộc tuần tra, truy quét xử lý dứt điểm các “điểm nóng” góp phần bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng trên địa bàn...
Văn Nhiên