Ngọc Hồi: Người dân thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách

23/08/2024 06:03

Những năm qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình nghèo trên địa bàn đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2011, gia đình chị Ngân Thị Phương Lan (dân tộc Tày) từ huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) vào thôn 7, thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Ban đầu, vợ chồng chị Lan phải đi làm thuê để lo toan cuộc sống gia đình; nhờ sự cần cù, chịu khó và tiết kiệm, gia đình chị dần tích góp tiền mua đất để phát triển nông nghiệp.

Năm 2013, gia đình chị Lan được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo. Nhờ nguồn vốn vay này, gia đình chị Lan đầu tư chuyển đổi một số diện tích đất trồng cây mì kém hiệu quả sang cây cao su.

Chịu khó làm ăn, mở rộng sản xuất, tiết kiệm chi tiêu và nhờ nguồn thu nhập ổn định từ thu hoạch mủ cao su, đến năm 2018, gia đình chị Lan chính thức thoát khỏi hộ nghèo.

Vườn sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình chị Ngân Thị Phương Lan. Ảnh: T.L

 

Với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, gia đình chị Lan tiếp tục vay 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi để đầu tư trồng cây ăn trái và chăm sóc các loại cây trồng. Đến nay, gia đình chị Lan thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm từ 1ha cao su, 1ha sầu riêng, 1ha bời lời.

Chị Lan chia sẻ: Nguồn vốn vay của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi thật sự là “điểm tựa” rất quan trọng của gia đình tôi trong những lúc khó khăn nhất. Nếu không có nguồn vốn này, gia đình tôi sẽ rất khó để thoát nghèo, có cuộc sống đầy đủ, ấm no như ngày hôm nay.

Ông Nguyễn Xuân Vẻ- Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn Tổ 3, thị trấn Plei Kần cho biết: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi, gia đình chị Lan và nhiều hộ khác trong Tổ 3 đã có thêm kinh phí đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; từ đó phát huy được phẩm chất cần cù, siêng năng, chủ động, sáng tạo của người nông dân trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tương tự, gia đình bà Võ Thị Kim Ánh ở thôn Lộc Nông, xã Đăk Nông cũng đã thoát nghèo bền vững chính nhờ vay vốn từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư vào chăn nuôi.

Trước đây, gia đình bà Ánh thuộc diện cận nghèo, nguồn thu chủ yếu của gia đình bà từ 4 sào mì. Năm 2019, bà Ánh được vay 40 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện. Từ số tiền này, bà Ánh làm chuồng trại và mua 2 con bò cái sinh sản. Trong 5 năm qua, bò mẹ đẻ được 7 con; bà giữ lại 4 con để tiếp tục chăm sóc và bán 3 con để trang trải cuộc sống hằng ngày.

Bà Võ Thị Kim Ánh (bên phải) thoát nghèo bền vững nhờ vay vốn chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: TL

 

Bà Võ Thị Kim Ánh bộc bạch: Tôi rất vui vì đã chính thức thoát nghèo vào cuối năm 2021, từ đó đến nay kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Nhiều hộ dân trong thôn Lộc Nông đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện vào việc đầu tư phát triển vườn cao su, chăn nuôi bò, chăn nuôi gia cầm... tăng thu nhập cho hộ gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện tại, thôn Lộc Nông không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, đời sống của người dân trong thôn ngày càng được nâng lên.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện Ngọc Hồi là 526,436 tỷ đồng, tăng so với  cuối năm 2023 là 22,090 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt 4,38%. Trong đó: Dư nợ ủy thác qua các tổ chức đoàn thể là 525,932 tỷ đồng, với 8.626 khách hàng còn dư nợ thuộc 191 tổ tiết kiệm và vay vốn; dư nợ Phòng giao dịch NHCSXH huyện giải ngân trực tiếp 469 triệu đồng cho các hộ vay tham gia xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm.

Với 17 chương trình tín dụng được thực hiện trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi đã tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, là “chỗ dựa vững chắc” để các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Nông Văn Hùng- Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi khẳng định: Để phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, thời gian đến, Phòng giao dịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác cho vay để triển khai hiệu quả chính sách cho vay ưu đãi, giúp các hộ dân đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai các chương trình tín dụng kịp thời, giải ngân nguồn vốn đúng đối tượng; đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế gia đình.              

Tấn Lộc

Chuyên mục khác