Ngọc Hồi kiểm soát và đẩy lùi bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò

21/07/2021 13:15

Từ cuối tháng 5/2021 đến nay, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò đã xuất hiện tại 6/8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ngọc Hồi. Huyện Ngọc Hồi đã đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra trên đàn gia súc và cơ bản khống chế được dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng.

Ngày 29/5, ổ dịch viêm da nổi cục trên bò phát hiện đầu tiên tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dương ở thôn Ke Joi, xã Đăk Xú; sau đó, tiếp tục lây lan sang các xã Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Kan, Pờ Y và thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi).

Ngay sau khi phát hiện dịch, huyện Ngọc Hồi kịp thời chỉ đạo ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên đàn trâu, bò trên địa bàn.

Theo đó, ngành Thú y huyện nhanh chóng khoanh vùng dịch, phun hóa chất tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại. Đồng thời, ứng trước 4.500 liều vắc xin triển khai tiêm phòng cho gia súc, cách ly gia súc bị bệnh, vệ sinh, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại kịp thời. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn đã được khống chế; số trâu, bò mắc bệnh điều trị ngày càng giảm dần và số bị bệnh được chữa khỏi tăng lên.

Gia đình ông A Tân ở thôn Nông Nội, xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi) có đàn bò 3 con đều bị bệnh viêm da nổi cục. Sau khi phát hiện đàn bò bị bệnh, gia đình ông được cán bộ thú y xã Nông Nội hướng dẫn các biện pháp cách ly bò mắc bệnh nhằm tránh lây lan cho đàn gia súc của các gia đình khác và tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, hướng dẫn chăm sóc, tiêm thuốc trợ sức, trợ lực, hạ sốt. Đến thời điểm này, bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò của gia đình ông A Tân đã thuyên giảm, cả 3 con đến nay cơ bản khỏi bệnh.

Ông A Tân cho biết: Ngày 22/6, gia đình tôi phát hiện có con bò bị bệnh viêm da nổi cục. Triệu chứng bò mắc bệnh ban đầu là sốt cao, bỏ ăn, viêm mũi, tiết nhiều nước bọt. Sau đó xuất hiện các nốt sần trên da có đường kính từ 2 đến 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bụng, các nốt sần này có hình tròn nhô ra... Sau khi phát hiện, tôi báo cho cán bộ thú y xã để được hỗ trợ theo dõi và điều trị. Sau thời gian theo dõi, điều trị, đến nay cả 3 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục của gia đình tôi đã khỏi bệnh và bò đã ăn uống lại như trước đây.

Đàn bò nhà ông Nên đã khỏi bệnh và hồi phục tốt. Ảnh: ĐV

 

Gia đình ông Lê Đức Nên ở thôn 5, thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) có 3/6 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời đến nay các con bò cũng đã khỏi bệnh và đang hồi phục khá tốt.

Ông Lê Đức Nên cho biết, gia đình tôi nuôi bò đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên đàn bò. Đàn bò nhà tôi có 6 con, trong đó có 3 con bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Sau khi phát hiện gia đình tôi báo với cán bộ thú y và được điều trị, hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Đến nay, đàn bò đã khỏi bệnh và cán bộ thú ý cũng đã tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho cả 6 con bò.   

Ông Đoàn Thanh Nhã- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ngọc Hồi cho biết: Ngay sau khi phát hiện có dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên địa bàn, Trung tâm cùng với thú y các xã, thị trấn tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm, thực hiện các biện pháp chống dịch cách ly chữa trị triệu chứng, phun diệt côn trùng. Trung tâm cũng đã thực hiện ứng khẩn cấp 4.500 liều vắc xin để tiêm phòng đồng loạt cho đàn trâu, bò của 8 xã, thị trấn và đến nay toàn bộ trâu, bò trên địa bàn huyện cơ bản đã hoàn tất việc tiêm phòng. Riêng công tác điều trị, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có 37 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục của 25 hộ tại 13 thôn của 6/8 xã, thị trấn. Đến nay, số con điều trị khỏi bệnh là 32 con; số còn lại đang điều trị, chăm sóc và đang hồi phục tốt.

Bên cạnh việc tiến hành tiêm phòng vắc xin cho toàn bộ đàn trâu, bò trên địa bàn huyện, đến nay Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ngọc Hồi đã phối hợp với các địa phương tiến hành phun 54 lít hóa chất và 560kg vôi bột để diệt khuẩn lây lan. Ngành thú y huyện Ngọc Hồi cũng đã hướng dẫn người chăn nuôi trâu bò hàng ngày tiến hành vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nhốt gia súc và khu vực xung quanh; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng. Đồng thời, tăng cường quản lý việc mua bán, vận chuyển gia súc giống nhập vào địa bàn để giảm thiểu lây lan của dịch bệnh; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để người chăn nuôi biết và chủ động thực hiện.

Đến nay, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn huyện Ngọc Hồi cơ bản được khống chế, hơn 2 tuần qua không phát sinh thêm gia súc bị mắc bệnh viêm da nổi cục.

Đắc Vinh

 

Chuyên mục khác