Ngọc Hồi: Hiệu quả từ mô hình chanh dây hữu cơ

11/06/2020 13:01

Bắt đầu trồng thử nghiệm vào tháng 8/2019, sau 6 tháng chăm sóc, mô hình trồng chanh dây hữu cơ của anh Đặng Công Kiên (45 tuổi) ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đã cho kết quả ngoài mong đợi.

Khi chúng tôi đến, anh Đặng Công Kiên đang tất bật thu hoạch chanh dây. Anh phấn khởi khoe: Nhờ chăm sóc theo phương thức hữu cơ, vườn cây cho trái đều lắm, ngày nào cũng được thu hoạch. Quả nhiều cơm, vỏ căng mọng, trông rất bắt mắt nên nhiều người đặt mua.

Trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình, anh Kiên đã đi nhiều nơi, tham khảo nhiều trang trại trồng chanh dây hữu cơ. Nhận thấy trồng chanh dây theo phương thức hữu cơ có chi phí đầu tư không cao hơn bao nhiêu so với trồng theo phương thức cũ, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 400 gốc chanh dây trên 2,5 sào đất của gia đình.

Anh cho biết, chi phí đầu tư ban đầu hết 120 triệu đồng, gồm giống (400 gốc chanh dây được nhập giống từ Đài Loan), trụ cây gỗ, dây kẽm, hệ thống tưới và thuê 1 nhân công làm từ lúc xuống giống cho đến khi thu hoạch.

Để vườn chanh dây của mình luôn sinh trưởng và phát triển tốt, anh Kiên luôn tuân thủ các quy trình chăm sóc từ việc tưới tiêu, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh. Anh lắp đặt hệ thống tưới nước trực tiếp vào gốc, tưới vừa đủ không để ngập úng. Mỗi tháng bón phân hữu cơ khoáng một lần, giúp cây hấp thụ dễ dàng, không ảnh hưởng đến độ pH của đất.

Anh Kiên bón phân cho vườn chanh dây. Ảnh: VT

 

Để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, anh cũng chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học được chiết xuất từ thảo dược. Trung bình 1 tháng phun 3 lần, giúp cải tạo môi trường đất, tạo sự cân bằng của sinh vật, vi sinh vật trong đất, từ đó làm hạn chế sâu, bệnh có nguồn gốc từ đất.

Một trong những kinh nghiệm quan trọng về trồng chanh dây hữu cơ được anh Kiên chia sẻ: “Muốn cây luôn phát triển khỏe mạnh, tôi thường phun chế phẩm sinh học lúc 18h trở đi, thời điểm này không còn nắng nên cây hấp thụ tốt hơn. Hơn nữa, đến giai đoạn thu hoạch, quả dễ bị bệnh dịch ruồi nên phải luôn túc trực tại vườn, quan sát cẩn thận, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại để có các phương pháp điều trị”.

Sản phẩm chanh dây hữu cơ của anh Kiên không chỉ được tiêu thụ tại địa bàn tỉnh thông qua hệ thống quầy hàng trái cây và liên hệ cung ứng trên mạng xã hội, mà còn được đặt hàng đưa sang các tỉnh lân cận và các công ty xuất khẩu. Hiện nay, anh Kiên đang liên kết với Công ty TNHH Sản xuất, thương mại rau quả Nhiệt Đới (Thành phố Hồ Chí Minh) để đưa các sản phẩm chất lượng nhất sang thị trường Châu Âu. Các sản phẩm của anh đưa đi các tỉnh hoặc xuất khẩu đều được đóng gói cẩn thận và có dán mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trên thị trường, giá chanh dây hữu cơ cao hơn hẳn so với chanh dây trồng thông thường. Chanh dây trồng thông thường được các thương lái thu mua với giá trung bình từ 6.000 – 10.000 đồng/kg, còn chanh dây hữu cơ bán ra thị trường với nhiều giá khác nhau, tùy theo từng loại: Loại 1 (mẫu mã đẹp, vỏ đều màu, căng bóng, không bị lốm đốm, thẹo) thường được bán với giá 40.000 đồng/kg; loại 2 (trái to, màu vỏ chưa đều) thường được bán với giá 25.000 đồng/kg; loại 3 (trái nhỏ, vỏ chưa đều màu, bị thẹo) thường được bán với giá 10.000 đồng/kg.

Bắt đầu xuống giống từ tháng 8/2019, sau 6 tháng chăm sóc, anh Kiên thu vụ đầu tiên được 2 tấn quả, trừ hết tất cả chi phí, lãi ròng hơn 70 triệu đồng. Ưu điểm của loại cây này là cho quả quanh năm, thời gian kéo dài 2 – 3 năm, trung bình 500 – 700 quả/cây. Nếu chăm sóc tốt, mỗi tháng anh thu hoạch hơn 1 tấn quả, chỉ cần giá thị trường ổn định, trừ mọi chi phí anh thu lãi 20 triệu đồng/tháng.

Anh Kiên bày tỏ: Hi vọng trong thời gian tới, thị trường chanh dây hữu cơ sẽ ngày càng ấm lên, nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng. Từ đó, sẽ tạo được động lực, thu hút nhiều người nông dân trồng chanh dây theo phương thức hữu cơ hơn.

Trao đổi về mô hình chanh dây hữu cơ, ông Nguyễn Văn Úc – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hồi cho biết: Chính quyền luôn khuyến khích và ủng hộ những hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn huyện sản xuất nông nghiệp theo phương thức hữu cơ để đảm bảo được chất lượng và năng suất của sản phẩm; hơn nữa còn giúp bảo vệ môi trường. Vườn chanh dây hữu cơ của anh Kiên là một ví dụ điển hình, mở ra triển vọng mới cho phương thức sản xuất này.

Văn Tùng

Chuyên mục khác