03/08/2017 07:10
Mặt hàng kể đến đầu tiên là rau củ, từ đồng ruộng ra đến chợ mức giá chênh lệch rất lớn. Theo khảo sát của phóng viên, giá một số loại hàng rau xanh được tiểu thương thu gom tại ruộng của nông dân như sau: mồng tơi 2.500 đồng/bó, rau cải khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, cà chua khoảng 10.000 – 12.000 đồng/kg...Tuy nhiên, khi ra đến sạp bán lẻ của tiểu thương, giá các mặt hàng này đã bị đội lên từ 2- 2,5 lần, tương đương mức 6.000 đồng/bó mồng tơi, 15.000 – 18.000 đồng/kg rau cải, 20.000 – 22.000 đồng/kg cà chua.
|
Các mặt hàng hoa quả khác hầu như cũng chung tình trạng tương tự, chẳng hạn như giá chôm chôm nông dân bán tại vườn chỉ khoảng 12.000 đồng/kg nhưng khi ra đến chợ đã lên mức 20.000 đồng/kg và thậm chí cao hơn...
Không chỉ rau củ, quả, các mặt hàng thịt, cá từ nhà ra chợ cũng có chung nghịch lý này. Điều đáng nói hơn là có những thời điểm giá nhiều loại nông sản bán lẻ trên thị trường tăng rất cao, nhưng giá sản phẩm nông dân bán ra lại không thay đổi nhiều, còn khi giá xuống, lập tức người nông dân sẽ phải gánh chịu.
Chẳng hạn như mặt hàng thịt heo thời gian qua, trong khi giá heo hơi xuất chuồng xuống thấp kỷ lục, có thời điểm chỉ 23.000 – 25.000 đồng/kg, nhưng giá thịt heo trên thị trường lại xuống không đáng kể so với thời điểm giá heo hơi 45.000 – 47.000/kg. Nông dân thì bán rẻ, người tiêu dùng thì mua đắt; bất hợp lý là vậy, nhưng cả người bán và người mua đều phải chấp nhận.
Tìm hiểu về nguyên nhân khiến giá cả nông sản có mức chênh lệch lớn này, chúng tôi được biết là do việc tiêu thụ hàng hóa hiện đang phải trải qua rất nhiều khâu trung gian và tất cả đều do thương lái chi phối.
Thương lái thu mua hàng hoá từ nông dân rồi đưa đến chợ đầu mối, từ chợ đầu mối tới chợ lẻ rồi mới đến các điểm bán lẻ, có khi tiểu thương còn mang đến tận vùng sâu, vùng xa... Vậy là, từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng có thể phải trải qua 5 – 6 khâu trung gian và qua mỗi khâu, giá cả hàng hóa lại bị đẩy lên theo.
Người nông dân làm ra mớ rau, con cá… nhưng họ lại không thể trực tiếp bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng mà việc tiêu thụ hầu như phải phụ thuộc vào các thương lái. Do đó, nông dân không thể định ra giá cả mà chính các thương lái mới là người quyết định. Việc dìm giá hay nâng giá cũng do một bộ phận thương lái thực hiện. Kết quả là người nông dân chịu thiệt, còn người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận giá cao khi mua hàng.
Ông Nguyễn Hữu Ba – hộ sản xuất rau ở phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) chia sẻ: Chúng tôi làm 2 – 3 sào rau, thậm chí nhiều nhà làm tới 5 – 6 sào rau nên không thể mang ra chợ bán lẻ từng mớ rau được. Do đó, vẫn biết nhiều khi mình bị ép giá, thương lái mua rẻ bán đắt nhưng đành phải chấp nhận chứ biết làm sao.
Hiện nay, ở Kon Tum, mối liên kết giữa 4 nhà, nhất là nhà nông và nhà doanh nghiệp dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ nên việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân đều tự phát, không có định hướng. Giá cả thị trường đều do thương lái quyết định nên nông dân thường chịu nhiều thiệt thòi, bị ép giá, nhất là khi được mùa...
Để giảm bớt các khâu trung gian, thu hẹp khoảng cách giá cả từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, có lẽ cần có những tổ hợp tác, hợp tác xã hay những doanh nghiệp tham gia vào việc cung ứng nông sản. Khi đó, không chỉ người nông dân bớt thiệt thòi, mà cả người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.
Ngọc Thắng