Nghịch lý đất đắp xây dựng: Nơi thừa nơi thiếu

08/09/2023 06:19

Nhiều công trình dự án nằm chờ, hoặc tạm dừng thi công được các đơn vị thi công cho rằng do thiếu nguồn nguyên liệu đất đắp. Thế nhưng, qua tìm hiểu, thực tế lại có nghịch lý đang tồn tại là một số mỏ khoáng sản có trữ lượng đất san lấp khá nhiều lại không bán được.

Sau khi Báo Kon Tum có các bài phản ánh về tình trạng công trình ngưng trệ vì thiếu nguồn đất đắp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo về vấn đề này. Theo báo cáo, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các sở ngành và địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu giá thành công 7 mỏ đất san lấp (trong đó, đã hủy đấu giá 1 mỏ) và hiện còn 6 mỏ với tổng diện tích 66,25ha, với tổng trữ lượng 4/6 mỏ đã được phê duyệt là 10.569.874 m3 đất. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn 6 doanh nghiệp trúng đấu giá hoàn thành các thủ tục để tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định, tuy nhiên đến nay, các mỏ này vẫn chưa hoàn thành các thủ tục để được cấp phép khai thác bởi nhiều nguyên nhân.

Công trình đường bao phía Nam thành phố Kon Tum phải ngừng thi công do không có đất đắp. Ảnh: HN 

 

Nguyên nhân đầu tiên là do cơ chế chính sách thường thay đổi và hướng dẫn chưa đồng bộ kịp thời, của các bộ, ngành Trung ương. Việc cấp giấy phép khai thác liên quan đến nhiều Luật (Luật Khoáng sản, Luật Đầu tư, Luật Môi trường, Luật Đất đai…) nên phải thông qua nhiều thủ tục, nhiều lĩnh vực, nhiều sở, ngành, UBND các cấp. Ngoài ra, khi các doanh nghiệp làm thủ tục lại vướng mắc liên quan đến việc thỏa thuận đất đai với người dân và các công việc khác, dẫn đến quá trình hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác còn chậm. 

Các đơn vị chủ đầu tư, cơ quan thẩm định trên địa bàn tỉnh trong quá trình lập và thẩm định dự án đầu tư không tính toán đến nguồn cung, địa chỉ, giá cả vật liệu đất san lấp cho dự án, nên quá trình thi công nhà thầu không tìm được nguồn cung ứng phù hợp để phục vụ cho công trình. Một số doanh nghiệp trúng đấu giá chưa quyết liệt trong việc lập hồ sơ cấp phép, còn khoán trắng cho đơn vị tư vấn, thiếu sự phối hợp với các ngành, địa phương liên quan để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép theo quy định. Trong khi đó, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố chưa quyết liệt trong công tác phối hợp, tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn về thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường cho doanh nghiệp nên dẫn đến việc chậm cấp phép. Đặc biệt, các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ đất lại không phải là đơn vị trúng đấu giá các gói thầu xây dựng cần khối lượng đất san lấp lớn nên việc cung ứng nguồn đất san lấp cũng gặp khó khăn.

Điều đáng nói, một nghịch lý đang tồn tại về đất đắp là chỗ thiếu vẫn thiếu mà chỗ thừa vẫn thừa. Bởi, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mỏ đá được UBND tỉnh cho chủ trương khai thác đất bóc tầng phủ làm vật liệu đất san lấp nhưng bán không ai mua. Minh chứng là hiện toàn tỉnh có 10 mỏ đá được cấp phép có khối lượng đất làm vật liệu san lấp là 3.483.473 m3, thế nhưng lượng đất đắp của những mỏ này không bán được vì không có đơn vị mua.

Cầu Trung Thành trên tuyến đường tránh phía Tây thành phố Kon Tum không thể thi công tiếp vì thiếu đất đắp. Ảnh: HN 

 

Đơn cử như Công ty TNHH T.H có mỏ đá được cấp phép khai thác tại một huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó, có trữ lượng đất bóc tầng phủ khoảng 160.000m3 nhưng hiện nay mới khai thác được khoảng 2.000m3. Số lượng khai thác chủ yếu bán cho các công trình nhỏ, cho san lấp của nhân dân. Khối lượng còn lại khá nhiều mà không có đơn vị mua. Để khai thác đá, doanh nghiệp này phải đi thuê diện tích để chứa lớp đất tầng phủ để phục vụ khai thác.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết, các đơn vị thi công khi hỏi mua cho rằng giá đất bán đắt (giá hơn 10.000 đồng/m3) nhưng theo doanh nghiệp này, giá trên là hợp lý, bởi chưa tính chi phí vận chuyển, thuế VAT, thuê nhân công, các khoản phí khác thì doanh nghiệp đã phải nộp tiền phí cho Nhà nước với giá 7.200 đồng/m3.

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản cũng như việc thanh quyết toán, giải ngân vốn của các dự án được siết chặt, trong đó, nguồn nguyên vật liệu phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ khiến các đơn vị thi công khó có thể lợi dụng việc khai thác “lậu” để “hợp thức hóa” vật liệu đầu vào để thanh quyết toán.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp cũng như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương đưa các mỏ đất đã được quy hoạch vào đấu giá và lập thủ tục cấp phép để phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn. Các doanh nghiệp phối hợp với các ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép theo quy định. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm đưa mỏ vào hoạt động khai thác, cung cấp nguồn đất san lấp hợp pháp cho thị trường. Đặc biệt, đối với các chủ đầu tư, các sở, ban ngành cần rút kinh nghiệm trong quá trình lập hồ sơ thiết kế và thẩm định dự án đầu tư phải tính toán chỉ ra được nguồn cung cấp khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp) cho dự án. 

Hà Nam

Chuyên mục khác