28/04/2020 06:03
Quan niệm coi trọng đất đai – nhà ở với mục đích tạo dựng di sản và để lại cho con cháu đến nay vẫn tồn tại, nhưng dần được “mềm hóa” trong đời sống xã hội Việt Nam. Trong điều kiện xã hội hiện đại, xu hướng phổ biến là chuyển dần từ phương thức ở kiểu đại gia đình theo huyết thống (tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường…) sang căn hộ độc lập – tiểu gia đình (cặp vợ chồng trẻ). Nhà ở phổ biến hiện nay là nhà biệt thự, không gian vườn rộng và biệt lập; nhà phố- liền kề có mặt tiền bám sát đường giao thông và nhà ở dạng căn hộ chung cư.
Với bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Việt luôn gắn liền với văn hóa nông nghiệp, mà trong đó, giá trị vật chất quan trọng- luôn được đề cao là đất đai và ngôi nhà. Đặc biệt loại hình nhà ở dạng phố- liền kề, bám trục giao thông vẫn là xu hướng của nhiều người Việt.
Tuy nhiên, trước những biến đổi của khí hậu, nguy cơ dịch bệnh lây lan, giờ đây nhiều người Việt lại thích quay về với không gian sống nhà vườn. Sở thích này đã không còn là “độc quyền” của người lớn tuổi, giới nghệ sỹ mà ngay cả những gia đình trẻ. Cái chính là người ta tìm được cảm giác thoải mái giữa cuộc sống xô bồ, chật chội, ô nhiễm khói bụi.
Tại Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, hiện nay, nhiều người xây nhà mới hay cải tạo nhà, phần lớn đều yêu cầu thiết kế và trang trí một không gian kiểu quê trong nhà phố, đó là một góc sân, một căn phòng, ban công hay sân thượng… tạo cho ngôi nhà có một chút của góc quê.
|
Các ngôi nhà ở của đồng bào DTTS thường được thiết kế từ 3 - 5 gian nhà tùy theo số lượng thế hệ sinh sống. Chiều rộng của nhà thường khoảng từ 5- 7m với chiều dài khoảng 3m/gian tùy thuộc vào số lượng gian nhà của mỗi gia đình. Nhà sàn được tạo hình nghệ thuật trên những thân cột, xà ngang bằng những chạm khắc nổi, vẽ những hình ảnh quen thuộc với cư dân rừng núi, hình ảnh chim, voi, rùa, kỳ đà… Tất cả những hình ảnh ấy đều thể hiện việc yêu thiên nhiên cũng như sự mong ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Với nhiều người khi xây dựng nhà ở, sẽ có những mẫu thiết kế theo phong cách khác nhau. Tại Kon Tum, hiện nay, xu hướng thiết kế theo mẫu nhà sàn đang được ưa chuộng. Các loại nhà sàn đều được thiết kế cách tân với nhiều phong cách pha trộn để thích hợp với nhiều ý tưởng và mục đích sử dụng khác nhau. Các công trình nhà sàn sau này, thay vì sử dụng gỗ tự nhiên, con người đã khéo léo kết hợp gỗ công nghiệp hoặc sử dụng gạch lát nền vân gỗ nhằm tạo cảm giác chân thực nhất cho kiến trúc nhà sàn. Nhiều nhà sàn được tạo dựng bởi kiến trúc xanh bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, hài hòa, không phá vỡ cảnh quan xung quanh, gắn bó con người với thiên nhiên, không làm ô nhiễm môi trường sống và tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng.
Các kiến trúc sư ở Kon Tum cho biết: Để kiểm soát, quản lý về không gian, kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường, ngày 29/6/2017, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 614/QĐ-UBND về việc Quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Kon Tum đến năm 2030. Theo đó, quy định nguyên tắc phát triển, các chỉ tiêu quy hoạch (mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao, khoảng lùi xây dựng công trình) của từng khu vực cụ thể; quy định việc chỉnh trang đô thị hiện hữu, phát triển đô thị mới, bảo tồn hệ sinh thái sông Đăk Bla (đoạn chảy qua thành phố Kon Tum)… Ngoài việc quy định về quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thì việc quản lý đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Kon Tum của tỉnh, còn gắn với việc giữ gìn và phát huy giá trị của “không gian văn hóa cồng chiêng”; trong đó không chỉ giữ lại các nét hoa văn biểu trưng về hình thức kiến trúc của nhà ở của người Kon Tum… mà còn bao gồm cả không gian của núi rừng, sông suối, nương rẫy… để tiếng cồng chiêng ở các thôn, làng thành phố Kon Tum mãi âm vang trong một không gian đô thị mới.
Dương Lê