Nghề nuôi cá ở Đăk Ngọk

16/10/2017 18:18

​Nhờ thiên thời, địa lợi, nhiều thành viên trong Tổ hợp tác Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thôn Đăk Lợi, xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) nuôi cá có thu nhập ổn định và khá giả.

Trên vịt dưới cá

Từ ao nuôi trên vịt dưới cá của anh Đặng Văn Duẩn (thôn Đăk Lợi) khá thành công, tôi hiểu thêm rằng, trong cuộc sống, mỗi người thường chọn cho mình một nghề mình thích để mưu sinh. Tuy nhiên, có những người thường do những cơ duyên khác nhau và cuộc sống đưa đẩy, mặc dù không đi theo nghề mình thích ban đầu, chuyển sang ngã rẽ mới, nghề nghiệp mới nhưng họ lại khá thành công. Trường hợp anh Đặng Văn Duẩn và một số hộ ở Tổ hợp tác Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thôn Đăk Lợi có lẽ là trong số đó.

Duẩn kể, quê anh ở tỉnh Thái Bình vào huyện Đăk Hà lập nghiệp từ năm 1986. Khi mới vào, gia đình chuyên canh cà phê và làm ruộng. Tuy nhiên, làm nghề chuyên canh cà phê có thời điểm gặp giá cà phê hạ, còn thấp hơn cả cà pháo, làm ruộng gặp ruộng đất sình lầy, chua nên năng suất lúa thấp... cuộc sống gia đình thường gặp khó khăn.

Nuôi cá của gia đình anh Duẩn bình quân cho thu nhập mỗi năm từ 200 - 250 triệu đồng. Ảnh: V.N

 

“Cái khó ló cái khôn”, từ sự thúc bách của cuộc sống, cách đây hơn 10 năm, anh quyết định thuê máy đào 1 sào ruộng chua, sinh lầy trước nhà để nuôi cá. Được cơ sở cá giống Tá Tiến cung cấp con giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật, năm đầu nuôi cá trắm cỏ thành công, lời hơn nhiều so với làm lúa và cà phê. Từ thắng lợi ban đầu, anh có vốn thuê máy đào, múc hết diện tích ruộng sình lầy làm ao nuôi cá. Đến nay, diện tích ao nuôi của gia đình anh được mở rộng ổn định 5,5 sào.

Ở khu nuôi cá của gia đình, Duẩn chia ra làm nhiều ao. Ao nuôi cá bột, ao nuôi cá thương phẩm. Trong các ao nuôi cá thương phẩm lại có các ao nuôi các lứa cá, loại cá khác nhau. Các loại cá gia đình anh thường nuôi là rô phi, rô đầu vuông, trắm, chép, diêu hồng và đặc biệt có một ao thâm canh độc đáo là trên mặt ao nuôi vịt, dưới ao nuôi cá ba sa. Đây là loài cá da trơn anh lấy giống ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ đem về nuôi và cũng khá thành công.

“Đặc điểm của cá ba sa là thích ăn phân vịt, phân heo… Gia đình vừa nuôi vịt, vừa nuôi heo nên đủ cung cấp chất thải cho cá ba sa. Gia đình không phải bỏ thêm tiền ra mua thức ăn cho cá nên lợi nhuận thu được từ cá ba sa cao hơn các loại cá khác. Cá ba sa nuôi theo hình thức này có thể được xem là cá sạch. Cá ba sa lại được giá hơn một số loại cá truyền thống khác. Tuy nhiên, nhược điểm là trên thị trường Kon Tum sức tiêu cá ba sa kém hơn các loài cá khác”-Duẩn lý giải.

Khá lên nhờ cá

Ở Tổ hợp tác Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thôn Đăk Lợi, dường như bà con nuôi loài cá nước ngọt gì cũng thành công. Có được thành công này, bên cạnh kỹ thuật chăn nuôi, còn là nhờ nguồn nước trong, mát lành từ “đập mùa xuân”- hồ Đăk Uy được các hộ dẫn về cung cấp các ao nuôi.  

Yêu nghề, gắn bó với nghề, con cá giúp cho gia đình Duẩn có một cuộc sống khá giả. Không tính các khoản thu nhập khác, bình quân mỗi năm gia  đình anh thu lãi 5,5 sào ao cá từ 200-250 triệu đồng.  

Vừa trò chuyện, Duẩn vừa nắm cám ăn từ thau vãi xuống một ao nuôi cá thương phẩm, đàn cá nổi lên tranh nhau đớp mồi gần như kín mặt ao ở khu vực có thức ăn. Nhìn đàn cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng to và dài gần bằng tay người thi nhau đớp mồi, tôi thấy ánh mắt anh long lanh lên. “Gia đình mới thu trong ao này hơn 5 tấn, chỉ còn lại trong ao khoảng vài tấn”-Duẩn tâm sự.

Nhìn thấy cá nổi lên trong ao, tôi đã thấy lượng cá nhiều quá sức tưởng tượng của mình. Nếu lượng cá trong ao khi chưa thu hoạch, không biết mức độ cá khi cho ăn nổi lên dày đặc cỡ nào?

Thấy tôi hỏi nguyên nhân một vài con cá chết nổi lên phơi trắng bụng, Duẩn xác định: Do chúng tranh ăn đâm phải nhau đó!   

Lại nghĩ, ngày xưa, ông bà ta thường nói: “Muốn giàu nuôi cá/Muốn khá nuôi heo…”. Những câu này, nếu vận vào các thành viên trong Tổ hợp tác Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thôn Đăk Lợi ngày nay quả cũng không sai bởi các thành viên như Duẩn, Đỗ Văn Tâm, Đặng Văn Vĩnh… từ khó khăn vươn lên nhờ cá.  

Trao đổi về nghề nuôi cá, ông Tâm kể rằng, toàn bộ diện tích ao nhà trước là khu ruộng sình lầy, trồng lúa ít hiệu quả. Từ ngày bỏ làm ruộng, chuyển qua đào 6 sào ao nuôi cá, gia đình ông cũng có cuộc sống ổn định và khá giả.

Dẫn chúng tôi ra xem ao, ông Tâm cầm xẻng xúc một xẻng thức ăn hỗn hợp (bột cám, bột bắp, rau…) do ông nấu rải xuống ao. Đàn cá trê quen hơi người, quen mồi con nào con nấy to gần bằng cổ tay người nổi lên ăn thức ăn khấy đục cả một khu vực ao. Ông Tâm cho biết, diện tích ao nuôi gia đình ông nhiều hơn nên thu nhập cao hơn nhà anh Duẩn.

Các hộ cũng tâm sự, việc nuôi cá ở Tổ hợp tác đều thành công, ít khi thất bại do dịch bệnh, bởi qua nhiều năm chăn nuôi, các hộ học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi lẫn nhau. Hơn nữa, nhiều người còn được các cơ quan khuyến nông tập huấn kỹ thuật và tìm đọc thêm nhiều trên sách, báo, internet, đài phát thanh, truyền hình…nên nắm vững kỹ thuật.  

Đầu ra ổn định

“Nuôi cá nhiều, nhưng đầu ra của các hộ trong Tổ hợp tác lại ổn định. Cơ sở cá giống Tá Tiến hay còn gọi là Trung tâm Cá giống Tá Tiến vừa cung cấp cá giống, thức ăn và vừa bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường cho người chăn nuôi”-Duẩn giới thiệu tôi với anh Tá khi đó đang cung cấp cám cho gia đình anh.    

Nhìn lại nghề nuôi cá, ông Nguyễn Công Cương- Phó Chủ tịch Hội Nông dân kiêm phụ trách khuyến nông xã cũng đánh giá cao sự có mặt của cơ sở Tá Tiến ở địa phương. Ông cho biết, trước đây, trên địa bàn xã người dân nuôi cá nhưng với hình thức nhỏ lẻ, bán thâm canh và diện tích ao nuôi không đáng kể. Trong những năm gần đây, phong trào nuôi cá ở xã phát triển mạnh, không tính việc nuôi cá ở các hồ thủy lợi, các hộ tự đào trên 17 ha ao nuôi cá. Trong chăn nuôi, các hộ đều ứng dụng khoa học kỹ thuật và tập trung thâm canh nên năng suất cá hiện nay đạt từ 3-4 tấn/sào/năm. Nhờ có thêm nghề nuôi cá mà nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định và khá giả hơn trước.

Nghề nuôi cá tưởng rằng là thu nhập phụ, nhưng hóa ra lại là nghề cho thu nhập chính giúp cho nhiều người dân ở Tổ hợp tác Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thôn Đăk Lợi có cuộc sống ổn định và đi lên.

                                                                   Văn Nhiên

Chuyên mục khác