07/06/2021 06:02
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 những tháng đầu năm nay tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giá cả một số mặt hàng nông sản tiếp tục sụt giảm, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn… tác động đến tâm lý của người dân trong việc trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc, thu hoạch nông sản.
Điển hình như, từ đầu năm đến nay, tình hình hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu các doanh nghiệp cung cấp lượng hàng hóa tiêu thụ trong và ngoài nước giảm sâu. Chẳng hạn như Hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) không tiêu thụ được sản phẩm cà phê, trà hòa tan tại các thị trường Hà Nội, Hải Dương…; sản lượng tiêu thụ giảm 80% so với mức tiêu thụ trước khi dịch bệnh xảy ra. Hay như Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng (huyện Đăk Hà) cũng gặp nhiều trở ngại trong việc xuất khẩu sản phẩm cà phê sang các nước; sản lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước giảm từ 80-85%; sản lượng tiêu thụ cà phê nhân giảm 30% so với mức tiêu thụ trước khi dịch bệnh xảy ra.
|
Mặc dù vậy, với quyết tâm không để khó khăn làm cản trở mục tiêu tăng trưởng, ngành Nông nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh nỗ lực tìm các giải pháp khắc phục hạn chế, phát huy những lợi thế để thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Nhờ đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh.
Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2020-2021 của tỉnh đạt 10.205,7 ha, bằng 100,2% so với cùng kỳ năm trước; diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 716 ha với tổng sản lượng ước đạt 2.652 tấn, bằng 108,73% so với cùng kỳ.
Trong chăn nuôi, dù dịch bệnh vẫn còn xảy ra, công tác tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn tỉnh vẫn được người dân tích cực triển khai trong điều kiện bảo đảm an toàn nghiêm ngặt trong phòng bệnh. Đặc biệt, các trang trại chăn nuôi và các hộ chăn nuôi gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP tại huyện Kon Rẫy, Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum và một số cơ sở chăn nuôi tư nhân đều thực hiện bảo đảm an toàn sinh học và triển khai tái đàn đúng theo quy định. Nhờ đó, đến tổng đàn gia súc 280.734 con, trong đó, đàn trâu là 25.840 con, đàn bò là 84.772 con, đàn lợn là 149.670 con và đàn dê 20.452 con; tổng đàn gia cầm các loại khoảng 1,7 triệu con.
Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong từng lĩnh vực vẫn có những khởi sắc. Điển hình như việc tiêu thụ, xuất khẩu mủ cao su trong 4 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực hơn so với cùng kỳ 2020. Đến hết tháng 4, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã xuất khẩu được khoảng 1.800 tấn mủ cao su các loại, tổng doanh thu đạt khoảng 78 tỷ.
Đây chính là những tín hiệu vui để ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của năm 2021.
|
Xác định rõ những thách thức cụ thể phải đối diện, đó là dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế- xã hội, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi vẫn cần thời gian dài để xử lý, ngành Nông nghiệp chủ động đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu, linh hoạt ứng phó với tình hình không thuận lợi để duy trì, phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Phạm Xuân Khanh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp và người sản xuất chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất để phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ; không để xảy ra tình trạng ứ đọng cục bộ. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại một số loại cây trồng cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay, chẳng hạn như chuyển đổi những vùng trồng dưa hấu trước đây sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; tiếp tục chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn, trọng tâm là chuyển sang trồng rau đậu, cây ăn quả. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các ngành liên quan tích cực làm việc, trao đổi với các siêu thị, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh để thực hiện thu mua nông sản cho người dân, đặc biệt là các mặt hàng rau, củ, quả an toàn, dưa hấu. Nắm bắt và kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất về nguồn nguyên liệu, thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao ứng dụng cơ giới hoá, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững để nâng cao sản lượng và chất lượng hàng hóa.
Trong chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức rà soát, quy hoạch vùng chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng địa phương; thực hiện tốt công tác quản lý đàn vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, tái đàn, tăng đàn, ổn định sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại có đầy đủ điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn. Tập trung quản lý, đẩy mạnh phát triển nghề cá lồng bè trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện...
Phát triển kinh tế nông nghiệp là một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế tỉnh ta; trong đó phát triển sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là gốc rễ để xây dựng nông thôn mới.Với những giải pháp đồng bộ, cụ thể đã và đang được triển khai sẽ tạo môi trường để nông dân tiếp tục thi đua sản xuất, đưa kinh tế nông nghiệp tăng trưởng, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Thiên Hương