27/12/2019 13:03
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, giá trị tổng sản phẩm toàn ngành nông, lâm nghiệp thủy sản năm 2019 (theo giá cố định 2010) ước đạt 3.083,96 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 5,59%, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,48% giá trị tổng sản phẩm cả tỉnh. Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh tiếp tục được mở rộng, ước đạt 173.600 ha, đạt 104,8% kế hoạch. Diện tích các loại cây trồng chủ lực như cao su, cà phê vẫn ổn định với 21.629 ha cà phê, vượt 7,0% so với kế hoạch; 74.198 ha cao su, đạt 100,5% so với kế hoạch; 23.686 ha lúa, đạt 99,6% so với kế hoạch được giao.
Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương triển khai nhiều mô hình đưa vào thử nghiệm các giống mới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: hỗ trợ giống để nhân rộng sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô 34 ha giống HT1 tại xã Đăk La (huyện Đăk Hà) và huyện Đăk Tô; tổ chức sản xuất được 43 tấn giống HT1 đạt tiêu chuẩn làm giống và cung ứng hơn 50 tấn lúa giống các loại cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; triển khai các mô hình trồng thâm canh cây cà phê vối giống mới TRS1, mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê vối, cải tạo vườn tạp, mô hình trồng cà chua an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, mô hình trồng sâm dây cho người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
|
Năm 2019, thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các lĩnh vực đột phá trong năm 2019, trên cơ sở Chương trình hành động của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; bảo tồn, đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh.
Triển khai chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thực hiện Đề án của UBND tỉnh về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai nhiều giải pháp mở rộng diện tích và bước đầu đạt được những kết quả đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh cho thuê 7.310,53 ha rừng để trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng theo phương án quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng kết hợp với phát triển cây sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông; bổ sung danh mục 17 loại dược liệu để nghiên cứu chọn, tạo giống dược liệu mới có chất lượng, giá trị kinh tế cao, phục vụ sản xuất dược liệu trong khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
|
Năm 2019, công tác khoán bảo vệ rừng, chăm sóc rừng đạt 100% các chỉ tiêu đề ra. Các đơn vị, địa phương có liên quan trên địa bàn tỉnh vận dụng các nguồn lực từ dịch vụ môi trường rừng và nguồn hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng tỉnh trồng mới được 71.405 cây phân tán; trồng mới 529,23 ha rừng tập trung; thực hiện chăm sóc 1.744,05 ha; khoán bảo vệ rừng được 201.211,58 ha cho 13 tổ chức, 335 cộng đồng, 234 nhóm hộ và 2.589 hộ gia đình.
Công tác quản lý bảo vệ rừng tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc; công tác phối hợp tuần tra, truy quét tại các điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, khai thác rừng trái phép được thực hiện thường xuyên, liên tục, tình hình vi phạm về quản lý bảo vệ rừng cơ bản được kiểm soát…
Trong công tác xây dựng nông thôn mới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, huy động tối đa nguồn lực thực hiện Chương trình này. Đến nay, đã có 22 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó có 19 xã được công nhận xã nông thôn mới). Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân 13 tiêu chí/xã, tăng 1,66 tiêu chí so với năm 2018.
|
Nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum năm 2019 gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng, trong năm 2019, Sở NN&PTNT đã đào tạo nâng cao năng lực phát triển sản phẩm OCOP cho 25 chủ thể phát triển sản phẩm là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ đăng ký kinh doanh và đào tạo cấp chứng chỉ nâng cao năng lực quản lý Chương trình OCOP cho 37 công chức OCOP cấp tỉnh, huyện, xã. Sở phối hợp với các địa phương tiến hành lựa chọn các sản phẩm, của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia 6 Hội chợ thường niên OCOP trong nước.
Kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển đáng kể. Toàn tỉnh hiện có 80 hợp tác xã đang hoạt động trong ngành nông, lâm nghiệp, tăng 24 hợp tác xã so với năm 2018; doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt khoảng 940 triệu đồng/ năm; lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm. Toàn tỉnh hiện có 78 trang trại, chủ yếu trang trại trồng trọt, diện tích bình quân 14,4ha/trang trại với các loại cây trồng chủ lực là cà phê, cao su … Đáng chú ý là, hiện có 14 trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi lợn, gà; đây là các mô hình sẽ nhân rộng trong thời gian tới nhằm tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
|
Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp năm 2019 vẫn có một số tồn tại, nhất là sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra nhiều nơi, giá cả một số mặt hàng nông sản không ổn định đã gây ra nhiều thiệt hại và ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất; tình hình vi phạm luật lâm nghiệp trên địa bàn tuy giảm nhưng vẫn còn tiểm ẩn những diễn biến phức tạp; công tác chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện hiệu quả, tuy nhiên một số tiêu chí đạt chuẩn thiếu tính bền vững.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, đánh giá đúng những hạn chế của năm 2019, xác định rõ những lợi thế, ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu, hướng đi của năm 2020.
Theo đó, trong năm tới, ngành Nông nghiệp xác định mục tiêu tổng quát là ổn định an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng; phát triển mạnh cây cà phê, cao su. Chăn nuôi đàn bò được xác định là lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, hình thành các vùng chăn nuôi bò có quy mô vừa và nhỏ. Đồng thời, ổn định và phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến và đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nông dân sản xuất ra, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển cây dược liệu...
Thùy Hương