Ngành Giao thông Vận tải tỉnh: Phát huy truyền thống “đi trước đón đầu”

28/08/2019 06:02

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông hạn hẹp, nhưng xác định vai trò quan trọng của hệ thống giao thông, trong những năm qua, ngành Giao thông Vận tải tỉnh đã nỗ lực tham mưu phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Lời dạy của Bác không chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của giao thông vận tải trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở đối với những người làm công tác giao thông vận tải về ý thức nhiệm vụ của mình nhằm đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập Nha Giao thông công chính, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của giao thông đối với cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Sau này, ngày 28/8 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Giao thông Vận tải.

Trải qua 74 năm phát triển, lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân, lao động ngành Giao thông Vận tải Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng luôn làm theo lời dạy của Bác Hồ, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, xây dựng và giữ mạch máu giao thông thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh.

Quốc lộ 24 qua Măng Đen (huyện Kon Plông). Ảnh: PN

 

Nhờ sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành của địa phương, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được xây dựng, phát triển đồng bộ, đều khắp từ thành thị đến nông thôn.

Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.000km đường các loại. Trong đó, quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 444km, bao gồm đường Hồ Chí Minh (155km), Quốc lộ 14C (107km), Quốc lộ 40 (21km), Quốc lộ 24 (99km), Quốc lộ 40B (61km). Tỉnh lộ gồm 13 tuyến với tổng chiều dài hơn 414km. Đường huyện có tổng chiều dài 625km. Đường đô thị có tổng chiều dài 448km. Đường xã có tổng chiều dài 948km. Đường thôn xóm, nội đồng có tổng chiều dài 2.517km. Đường chuyên dùng có tổng chiều dài 28km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có tuyến đường Tuần tra biên giới với tổng chiều dài 435km và đường Trường Sơn Đông với tổng chiều dài 52km.

Tỷ lệ đường bê tông nhựa toàn tỉnh chiếm khoảng 20,45%, đường bê tông xi măng chiếm 29,89%, đường láng nhựa chiếm 18,33% và đường đất, cấp phối chiếm 31,33 %.

Nhìn lại chặng đường 28 năm qua kể từ khi chia tách tỉnh, phải khẳng định những đóng góp to lớn của toàn ngành Giao thông Vận tải để tạo ra hệ thống huyết mạch giao thông trên địa bàn như ngày nay, góp phần tạo tiền đề đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Từ chỗ chỉ có con đường duy nhất là Quốc lộ 14 nối Kon Tum với các tỉnh thành khác và có đến 90% hạ tầng giao thông là đường đất, ô tô không đến được trung tâm các xã vùng sâu vùng xa, sau 28 năm xây dựng và phát triển, giao thông Kon Tum không chỉ phá thế ngõ cụt, 100% các xã vùng sâu vùng xa ô tô đến được trung tâm, mà hệ thống giao thông còn đang vươn cao, vươn xa, kết nối với các vùng miền trong nước và quốc tế.

Giờ đây, từ trung tâm thành phố Kon Tum đến huyện Đăk Glei chỉ mất chưa đến 2 tiếng đồng hồ (trước đây đi cả ngày) và đến trung tâm xã Ngọc Linh cũng chỉ thêm khoảng hơn 1 tiếng đi xe ô tô là đến nơi. Hay như trước đây muốn đến xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông) phải mất cả ngày đường đi bộ băng rừng, vượt núi, nhưng giờ đây chỉ khoảng 2 tiếng ô tô chạy từ trung tâm thành phố  Kon Tum là có thể đến nơi, qua con đường Trường Sơn Đông hùng vĩ. Hoặc giờ đây, từ đường Ngọc Hoàng -Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh, chúng ta có thể đi xuyên từ huyện Tu Mơ Rông sang xã Ngọc Linh, Mường Hoong, Đăk Choong... của huyện Đăk Glei một cách dễ dàng.

Đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum là tuyến giao thông huyết mạch nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh, thành. Ảnh: PN

 

Không chỉ từng bước hoàn thiện những tuyến đường nội tỉnh, khơi dậy tiềm năng phát triển về mọi lĩnh vực kinh tế, ngành Giao thông Vận tải tỉnh đang tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng những tuyến đường ngang tầm, kết nối vùng, miền, quốc gia mà còn vươn tầm quốc tế. Những năm qua, tỉnh ta đã tranh thủ được các nguồn vốn và kêu gọi được sự đầu tư từ Trung ương từng bước hoàn thiện Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, 14C, đường Trường Sơn Đông… để tạo liên kết các vùng miền trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên cả theo trục dọc và trục ngang. Chẳng hạn, tuyến Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh được xây dựng tương đối hoàn thiện tạo nên tuyến lưu thông huyết mạch nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh cả 3 miền Bắc-Trung- Nam. Giờ đây, đi tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 từ Kon Tum đi thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất khoảng 10 tiếng đồng hồ hoặc từ Kon Tum đi các tỉnh miền Trung, hay đến trung tâm thành phố Đà Nẵng chỉ mất vài tiếng đồng hồ. Nếu như trước đây, muốn đến với Quảng Ngãi chỉ có duy nhất Quốc lộ 24 thì nay còn có thể đi bằng đường Trường Sơn Đông…

Để có được hệ thống hạ tầng giao thông như ngày hôm nay, nhiều thế hệ cán bộ ngành Giao thông Vận tải tỉnh không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm băng rừng, vượt núi khảo sát, định hướng tuyến để tham mưu tỉnh xây dựng những con đường mà bao đời người dân Kon Tum hằng ước mơ. Những tuyến giao thông huyết mạch được mở rộng có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài nước, tạo tiền đề để tỉnh Kon Tum phát triển kinh tế- xã hội..., xứng đáng với truyền thống của ngành Giao thông vận tải “đi trước đón đầu”.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác