Ngân hàng CSXH tỉnh góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo

19/07/2024 14:14

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng được vay vốn trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 4.689 tỷ đồng, tăng 230, tỷ đồng (+5,2%) so với năm 2023. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 4.093 tỷ đồng, tăng 193,5 tỷ đồng so với năm 2023; vốn huy động tại địa phương được trung ương cấp bù 366,5 tỷ đồng, tăng 23,9 tỷ đồng; vốn nhận ủy thác của ngân sách địa phương 229,3 tỷ đồng, tăng 34,5 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 173% kế hoạch năm. Chi nhánh tăng trưởng dư nợ tín dụng 165,4 tỷ đồng (+3,71%), trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương tăng 133,9 tỷ đồng; dư nợ nguồn vốn địa phương tăng 31,5 tỷ đồng.

Doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm đạt 701 tỷ đồng, với 14.785 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu vào một số chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 161,8 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 151,5 tỷ đồng; hộ cận nghèo 130,9 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 96,3 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 73,8 tỷ đồng; hộ nghèo 71,6 tỷ đồng.

Triển khai nhiệm vụ công tác các tháng cuối năm 2024. Ảnh: ĐV

 

Doanh số thu nợ 536 tỷ đồng, chiếm 76,2% doanh số cho vay. Doanh số thu nợ, tập trung ở một số chương trình cho vay như: Hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 112,2 tỷ đồng; hộ nghèo 96,5 tỷ đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 95,4 tỷ đồng; hộ cận nghèo 89 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 70,7 tỷ đồng.

Để thuận lợi cho người dân tiếp cận dễ dàng nguồn vốn vay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã xây dựng được tổ chức mạng lưới giao dịch và triển khai chính sách tín dụng ưu đãi tại 102/102 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn với cơ sở vật chất được trang bị khá đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu hoạt động, tạo điều kiện cho người nghèo, các đối tượng chính sách được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH ngay tại cơ sở, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh tại cơ sở. Để nâng cao hiệu quả công tác tín dụng, trong quá trình hoạt động, Ngân hàng CSXH tỉnh đã công khai kịp thời, đầy đủ tại UBND các xã, phường, thị trấn các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước theo từng thời kỳ, lãi suất cho vay theo từng chương trình, đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách hộ vay còn dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi. Đồng thời, nguồn vốn vay đảm bảo được giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của các chương trình đã tạo điều kiện cho 74.217 lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền dư nợ 4.625 tỷ đồng, tăng 165,4 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Từ các nguồn vốn vay đó, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm, cải thiện môi trường nông thôn, nâng cao sức khỏe người dân. Cùng với cho vay, đơn vị cũng đôn đốc thu nợ đúng hạn, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện lập hồ sơ và nhập dữ liệu đề nghị xử lý nợ bị rủi ro trên hệ thống Inteellect.

Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh: Đ.V

 

Cùng với nhiệm vụ cho vay vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, NHCSXH tỉnh còn quan tâm, chú trọng hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân và thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm tạo nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Qua nắm bắt thực tế, hiện nay nhu cầu tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm của các đối tượng chính sách còn rất lớn, tuy nhiên, nguồn vốn cho vay của các chương trình tín dụng chủ yếu được bố trí từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn địa phương tuy đã được các cấp quan tâm chuyển ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay nhưng cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với mong muốn tạo lập thêm nguồn vốn bổ sung dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, đơn vị luôn bám sát mục tiêu, định hướng chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động các nguồn lực nhăm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của đối tượng. Trong đó tham mưu UBND tỉnh trình Ngân hàng CSXH Việt Nam bổ sung nguồn vốn để cho vay và tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét quyết định bố trí ngân sách địa phương để ủy thác sang Ngân hàng CSXH trên địa bàn để cho vay theo Nghị quyết số 111/2024/QH15, ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Tùy vào mục đích cho vay của các chương trình mà hiệu quả mang lại khác nhau, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đã hỗ trợ hàng chục ngàn người dân trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.   

Đắc Vinh

Chuyên mục khác