25/07/2024 06:48
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014, của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng các Kế hoạch số 86-KH/TU, ngày 12/3/2015 về thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; Kế hoạch số 30-KH/TU, ngày 18/10/2021 về thực hiện Kết luận số 06-KL/TW để cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và xác định rõ nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
|
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, khẳng định vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân và các hộ vay vốn hiểu hơn về Ngân hàng Chính sách xã hội, có ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, nên nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
Để góp phần nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, giúp việc triển khai tín dụng chính sách đạt hiệu quả, các địa phương đã bố trí Chủ tịch UBND xã tham gia ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện. Việc trực tiếp tham gia đã giúp chủ tịch UBND cấp xã kịp thời nắm bắt được tình hình, kiến nghị khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện tại cơ sở để có những tháo gỡ, xử lý kịp thời. Chính nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống xã nên đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, đối tượng thụ hưởng được mở rộng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã lan tỏa đến 100% xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho hộ nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng để phát triển kinh tế gia đình.
Từ hoạt động vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với thủ tục đơn giản, mức vay và phương thức trả nợ phù hợp, lãi suất ưu đãi, thời gian dài, người nghèo và các đối tượng chính sách đã dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, sử dụng vốn có trách nhiệm, trả nợ đúng hạn, tạo được việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là tại khu vực các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
|
Việc điều tra, rà soát, xác định, bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh được thực hiện theo quy định của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh. Định kỳ hàng năm, tổ chức thực hiện điều tra, rà soát, phê duyệt kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở để NHCSXH tỉnh thực hiện cho vay; thường xuyên rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh, đủ điều kiện và cho ra khỏi danh sách những hộ đã thoát nghèo theo quy định. Chi nhánh NHCSXH tỉnh căn cứ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được phê duyệt đối tượng cho vay, bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng.
Tính đến ngày 30/6, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 4.625 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm đạt 22,1%, với hơn 74 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,18%.
Việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, của cấp uỷ chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH đã khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, điều kiện kinh tế được cải thiện, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đắc Vinh