Ngăn chặn thực phẩm bẩn dịp Tết

24/01/2018 12:58

​Ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông thị trường giáp Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã thành lập các đoàn, tăng cường phối hợp kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đây là biện pháp cơ bản giúp người tiêu dùng tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi mua sắm thực phẩm vào dịp tết.

Tăng cường kiểm tra                                                   

Sáng 16/1, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Kon Tum đã triển khai công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán 2018. Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 1 cửa hàng kinh doanh tổng hợp ở đường Lê Hồng Phong.  Qua quan sát, tại đây, các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn như bánh kẹo, mứt và nước uống giải khát, bia rượu được tập kết bán buôn khá nhiều. Tuy nhiên, chủ cửa hàng bày biện hàng hóa chưa được ngăn nắp, một số loại bánh mứt vẫn bỏ lăn lóc dưới nền nhà, trên kệ gây phản cảm, mất vệ sinh.  

Làm việc với đoàn kiểm tra, bà L - chủ cửa hàng đã thiếu hợp tác với đoàn kiểm tra, bằng cách tự ý bỏ cơ sở đi nơi khác. Đoàn kiểm tra vẫn đứng đợi, yêu cầu người nhà điện thoại bà L về làm việc. Sau đó, bà L chỉ đưa ra được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở trình đoàn kiểm tra, còn lại các loại  giấy tờ khác đáp ứng đầy đủ cho hoạt động kinh doanh của cơ sở đều không có, như chứng nhận tập huấn an toàn thực phẩm cho người đứng ra kinh doanh, giấy phép bán lẻ rượu, thuốc lá theo quy định hiện hành. Qua kiểm tra hàng hóa tại cơ sở có nước ngọt, nước đóng chai hết thời hạn sử dụng nhưng vẫn không tiêu hủy.

Kiểm tra ATVSTP tại cửa hàng của Công ty TNHH MTV của bà L. Ảnh:M.T

 

Trái ngược với sự thiếu hợp tác kiểm tra của cơ sở kinh doanh thực phẩm như vừa nêu, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Kon Tum (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra đột xuất của tại các cơ sở chế biến hàng nông lâm thủy sản cũng trên địa bàn thành phố Kon Tum có phần khả quan hơn. Cụ thể, kiểm tra tại cơ sở nem chả Tâm Long ở số nhà 127 Kơpakơlơng được đánh giá xếp loại A đạt chuẩn về sản xuất thực phẩm an toàn vào năm 2018.

Tiếp đoàn kiểm tra, anh Nguyễn Ngọc Tâm - Chủ cơ sở đã trình bày đầy đủ các loại giấy đăng ký chế biến nem giò chả, giấy chứng nhận kiến thức an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe định kỳ của lao động. Tại đây, cán bộ ngành chức năng còn kiểm tra khu vực vệ sinh, máy móc thiết bị kỹ thuật sản xuất, sổ sách ghi chép, lưu mẫu nguyên liệu đầu vào (thịt sống, phụ gia có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn) của cơ sở có đầy đủ theo quy định. Đặc biệt lấy mẫu sản phẩm nem chả phân tích tại chỗ các chất phụ gia đều đảm bảo không vượt ngưỡng quy định cho phép.

Anh Tâm còn cho biết, gia đình có 15 năm xây dựng thương hiệu nem chả Tâm Long tại địa phương. Thời gian đầu hoạt động, cơ sở chưa nắm bắt hết các quy định hiện hành về đảm bảo an toàn vệ sinh trong sản xuất sản phẩm. Giai đoạn mới đăng ký kinh doanh, cơ sở cũng gặp không ít khó khăn, cũng như thiếu sót về quy trình đảm bảo vệ sinh chế biến nem chả. Nhưng có sự hướng dẫn tận tình của ngành chức năng, 5 năm gần đây, cơ sở đã đầu tư hoàn thiện khu vực xử lý nước thải đúng quy cách một chiều đảm bảo hợp vệ sinh; thiết bị máy móc xay, nhồi, cắt xén nguyên liệu thịt sống để chế biến nem chả được tuân thủ thu dọn, sát khuẩn bằng cồn theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh sau khi sản xuất hoàn thành tổng thể hàng ngày. Ngoài ra, anh Tâm cho biết thêm, 4-5 lao động của cơ sở cũng được tạo điều kiện tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ.

Kiên quyết xử lý sai phạm

Ông Nguyễn Văn Lương - Phó trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Kon Tum được biết, cơ sở nem chả Tâm Long là 1 trong 18 cơ sở được đánh giá đạt loại A về chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản trong tỉnh năm 2017. Còn trước đó (năm 2015), đơn vị đã phối hợp các cấp, các ngành theo dõi, xử phạt không ít cơ sở sản xuất thực phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh... và có yêu cầu phải khắc phục. Chẳng hạn như cơ sở chưa đảm bảo các trang thiết bị sản xuất đáp ứng quy trình chế biến sản phẩm một chiều, chưa có đầy đủ dụng cụ thu gom rác thải, chưa đảm bảo vệ sinh khu vực sản xuất, không để nước ứ đọng, ô nhiễm môi trường xung quanh, chủ cơ sở, người lao động không khám sức khỏe, tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm theo định kỳ…   

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn - Trưởng phòng Y tế thành phố Kon Tum, Trưởng đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, kết quả ngày đầu tiên ra quân, đoàn đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 5/8 cơ sở kinh doanh có hàng hóa hết hạn sử dụng, có hàng giả, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ... Bản thân chủ cơ sở và người giúp việc cũng chưa được tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm. Riêng trường hợp Công ty của bà L như vừa nêu ở trên có hành vi thiếu hợp tác, có nhiều lỗi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, đoàn kiểm tra của thành phố Kon Tum đã lập biên bản xử lý vi phạm chuyển ngành chức năng xử lý theo quy định.

Đại diện các ngành chức năng cũng nhận định, các cấp và các ngành đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra phát hiện, xử lý không ít địa chỉ chế biến, buôn bán các sản phẩm chế biến sẵn chưa đảm bảo về nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng, vì lợi nhuận, vẫn còn có nơi chế biến, nhập hàng hóa bẩn, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác bán ra thị trường với giá rẻ. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng xem xét mua hàng hóa, nếu phát hiện ra những nghi vấn, bất thường của sản phẩm mua phải, nên báo ngành chức năng để xử lý.

                                                                                               Mai Trâm

Chuyên mục khác