26/07/2019 13:02
Cây mai dương “hoành hành”
Nói về sự “hoành hành” của cây mai dương, bà con nông dân sản xuất trên cánh đồng bán ngập thủy điện Plei Krông thuộc xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) là rõ nhất. Với họ, không có loài thực vật nào gây ám ảnh như cây mai dương.
Anh Đỗ Văn Tuyển (xã Diên Bình) vốn làm nghề thuần nông, từ khi hình thành vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, anh có thêm nghề đánh bắt cá. Vào mùa tích nước, vì mưu sinh, anh thường trắng đêm lặn lội trên vùng bán ngập đánh lưới, mờ sáng mới về cho kịp buổi chợ sớm. Trong những lần đi đánh lưới vào ban đêm ấy, anh sợ nhất là… cây mai dương.
Tôi thường thả lưới bắt cá trên vùng bán ngập, từ dưới cầu Diên Bình rồi ngược dòng lên hướng Pô Kô. Đêm hôm khuya khoắt, một mình mò mẫm với chiếc xuồng nhỏ giữa mênh mông sóng nước kể ra cũng hơi ngán, nhưng lại không ăn nhằm gì với nỗi lo trắng tay bởi cây mai dương. Hiện ở vùng bán ngập, nhiều khu vực mọc đầy cây mai dương, nếu không may lưới bị cuốn theo dòng nước hay cá mắc câu hoảng loạn bơi vào vùng có cây mai dương, coi như phải bỏ cả lưới lẫn cá– anh Tuyển kể.
Ông Phạm Xuân Luận- Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho hay, diện tích vùng bán ngập của xã ở vào khoảng 50ha, trong đó có nhiều khu vực bị cây mai dương tấn công, bà con không thể canh tác được, nếu không dày công diệt trừ.
“Bây giờ các anh ra đó sẽ thấy bà con vất vả như thế nào để diệt trừ cây mai dương. Loài cây này nguy hiểm lắm, ngâm nước mấy tháng trời mà chẳng hề hấn gì, khi nước rút lại mọc nhanh và mạnh hơn trước; quả chín rụng xuống, gặp lúc nước dâng lên, trôi nổi phân tán khắp nơi, bám đất là thi nhau mọc um tùm. Khi trưởng thành, toàn thân hóa gỗ trở nên cứng cáp, gai nhọn mọc khắp thân và cành nên chống được sự giẫm đạp của động vật- Chủ tịch xã Phạm Xuân Luận “kể khổ”.
Trên khoảnh đất nằm cặp Quốc lộ 14, một người đàn ông đứng chống cuốc nhìn bụi cây mai dương um tùm trước mặt rồi thở dài: Đến trâu, bò cũng không dám chui vào “vùng đất” của cây mai dương kiếm ăn. Dày như da trâu mà lỡ chui vào bụi mai dương thì cũng bị gai cào cho đầy vết xước, nhiều chỗ sưng mủ...
Theo ông, loại cây này rễ ăn sâu vào đất cả mét, chúng mọc ở đâu thì nơi đó đất nhanh chóng bị cằn cỗi, bạc màu. Nơi nào có cây mai dương thì nơi đó không thể trồng trọt bất cứ loài cây nào khác, hơn nữa, khả năng sinh tồn của nó thì vô địch, chặt cây mà vẫn còn chừa một phần gốc, một đoạn rễ thì một thời gian sau lại mọc lên tua tủa.
Muốn diệt trừ nó thì không có cách nào khác ngoài biện pháp thủ công, tức là huy động người dân chặt cành, đào gốc, rễ lên rồi đốt. Nhưng do điều kiện nhân lực có hạn nên nhiều khu vực đành phải để cây mai dương hoành hành- ông Phạm Xuân Luận cho biết.
|
Kinh nghiệm từ Sa Bình
Trong suốt thời gian dài, cánh đồng bán ngập lòng hồ thủy điện Ia Ly của xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) là “vương quốc” của cây mai dương. Khi ấy, loài thực vật ngoại lai nguy hại này lan tràn khắp nơi, đe dọa hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp của người dân.
Trực tiếp dẫn tôi đi thăm vùng bán ngập, Chủ tịch UBND xã Sa Bình Nguyễn Minh Thuận chỉ cho tôi thấy mấy bụi mai dương đang ngạo nghễ vươn những cành đầy gai nhọn một cách thách thức, và “khoe” rằng, sau nhiều năm “vật lộn” với cây mai dương, người dân xã Sa Bình đã tìm được cách trị khá hiệu quả.
Với tổng diện tích lên tới 210ha, vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Ia Ly có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của xã. Mùa nào thức nấy, vùng đất bán ngập đem lại nguồn thu lớn cho người dân, cho địa phương. Nhưng có một thời gian dài, nhiều khu vực đành phải bỏ hoang bởi sự xâm chiếm của cây mai dương.
Loài cây này “bá đạo” ở khả năng phát triển nhanh chóng, sống khỏe, sống dai, nơi nào có nó thì không trồng trọt được gì. Chỉ sơ sẩy thời gian, nó đã “cai trị” nhiều nơi, và có nguy cơ lan tràn ra khắp vùng bán ngập. Trước thực trạng ấy, xã vận động nhân dân ra quân diệt trừ cây mai dương, đến lúc này mới phát hiện, loài cây này rất khó diệt, ngâm nước không thối, phun thuốc không chết.
Loay hoay mãi, cuối cùng bà con thay đổi “chiến thuật”, dùng biện pháp thủ công, tức là huy động sức người chặt cành, đào gốc, cuốc rễ lên, gom lại rồi đốt. Cũng không phải ra quân hoành tráng gì, mà nhà nào giải quyết trên diện tích đất của nhà đó, cứ kiên trì, tỉ mỉ “bao vây, diệt gọn” như vậy hàng ngày. Ấy thế mà hiệu quả thấy rõ, đến nay, cây mai dương đã giảm dần, chỉ còn ở những nơi người dân không canh tác hoặc bờ vùng, bờ thửa- Chủ tịch xã Nguyễn Minh Thuận kể.
Nhưng theo Chủ tịch Thuận, vẫn không thể chủ quan với cây mai dương được. “Hạt cây mai dương có lớp lông cứng, dày, bám dính tốt, trôi nổi theo nguồn nước, lẫn trong đất cát, đi đến đâu hạt sẽ nảy nầm mọc đến đó và có thể nảy mầm quanh năm. Thân cây có khả năng tái sinh cao sau khi bị chặt hoặc đốt, thích nghi tốt với mọi điều kiện môi trường, thổ nhưỡng. Chỉ cần lơ là thời gian là nó lại phát tán, ngóc đầu lên ngay- anh nói.
Cho đến nay, vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về diện tích đất sản xuất trên địa bàn tỉnh bị cây mai dương xâm chiếm, nhưng nếu để ý quan sát sẽ thấy, ở bất cứ vùng đất hoang hóa, ẩm ướt, hay bãi bồi ven sông, hồ, hệ thống thủy lợi và hai bên các tuyến đường... nào đều có sự hiện diện của cây mai dương. Điều đó cho thấy, nó “bá đạo” đến mức nào.
Để ngăn chặn hiểm họa từ cây mai dương, ngày 19/7, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 1811/UBND-NNTN yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân về những tác hại và các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ cây mai dương, không để cây phát triển ra diện rộng; huy động lực lượng và hướng dẫn biện pháp hiệu quả diệt trừ, loại bỏ sự phát triển và xâm lấn của cây mai dương trên địa bàn (chặt sát gốc cây, đào rễ và phơi khô sau đó đem đốt…), phấn đấu đến năm 2020 cơ bản diệt trừ được loại thực vật nguy hại này.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, về mặt lý thuyết, có 3 biện pháp cơ bản để diệt cây mai dương là thủ công, hóa học và sinh học. Tuy nhiên, biện pháp sinh học (như thả mọt đục hạt, sâu đục thân, đục ngọn cây) tính khả thi không cao; biện pháp hóa học (phát chặt cây trưởng thành cho lên chồi rồi phun các loại thuốc hóa học kết hợp với ngâm nước để tiêu diệt cây non) lại gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và động vật.
Vì vậy, biện pháp hữu hiệu để diệt trừ mai dương lúc này là dùng phương pháp thủ công, như bà con xã Sa Bình đang áp dụng. Tức là chặt bỏ tận rễ, gốc và đốt khi cây còn non. Ở những vùng quần thể mai dương dày đặc, cần chặt sát gốc, phơi khô, đốt sạch, sau đó dùng máy cày hoặc cuốc đào sâu, nhặt hết gốc rễ rồi đốt.
Bên cạnh đó, tỉnh cần khẩn trương xây dựng dự án nhằm tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân nhận thức được hiểm họa và các biện pháp diệt trừ. Các cấp, các ngành cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo và tổ chức ra quân đồng loạt diệt trừ mai dương trong nhiều năm liền và lặp lại trong nhiều năm tiếp theo…
Và cuối cùng, cần xác định đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt và cần sự ra tay của toàn xã hội, nếu không, tương lai không xa nữa, chúng ta sẽ không thể nào kiểm soát nổi hiểm họa từ cây mai dương.
Thành Hưng