06/11/2021 13:00
Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng đã được lực lượng chức năng và chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm bảo vệ, hạn chế sự xâm hại tài nguyên rừng. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù có giảm về số vụ và mức độ thiệt hại nhưng tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra. Rừng vẫn bị “chảy máu” và chưa được ngăn chặn triệt để, có hiệu quả.
Minh chứng là theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2020 toàn tỉnh phát hiện 361 vụ vi phạm lâm luật, với tổng khối lượng vi phạm là 1.198,787 m3 gỗ, làm thiệt hại hơn 46 ha rừng. Nhưng, trong 10 tháng đầu năm 2021 (tính đến 15/10), lực lượng chức năng phát hiện 180 vụ với khối lượng hơn 400 m3 gỗ các loại. Các vụ vi phạm đã làm thiệt hại hơn 73 ha rừng. Đáng nói, so với cùng kỳ năm trước tuy giảm đến hơn 50% về số vụ và khối lượng vi phạm nhưng diện tích rừng bị thiệt hại lại tăng (tăng gần 30ha). Các vụ vi phạm xảy ra trên lâm phần của các đơn vị chủ rừng là công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, UBND các xã, trong đó, diện tích rừng bị phá xảy ra nhiều và chiếm tỷ lệ cao là ở các công ty lâm nghiệp. Địa bàn xảy ra nhiều là ở huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô.
|
Từ thực tế trên, cho thấy công tác quản lý bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng chưa thực sự tốt. Năng lực tổ chức, điều hành và tinh thần trách nhiệm của một số chủ rừng còn hạn chế, yếu kém; các lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở một số nơi còn buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, có dấu hiệu che giấu cho các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Theo đơn vị chức năng, công tác quản lý bảo vệ rừng gặp khó khăn một phần do tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Nhu cầu về sử dụng gỗ và lâm sản của xã hội ngày càng tăng gây áp lực lớn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, thời gian gần đây giá mì nguyên liệu tăng mạnh cũng là nguyên nhân các vụ vi phạm phá rừng, lấn chiếm rừng tăng nhanh. Việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đồng bào DTTS tại chỗ không thể thực hiện được vì không có khả năng chấp hành hoặc không có tài sản để cưỡng chế, dẫn đến tính giáo dục răn đe còn hạn chế. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm mỏng mà diện tích rừng thì rộng, còn lực lượng ngoài Kiểm lâm thì chủ yếu là kiêm nhiệm nên trách nhiệm và sự nỗ lực chưa cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quốc Đổng- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã được các cấp, chính quyền địa phương quan tâm vào cuộc nên số lượng vụ vi phạm cũng đã giảm so với năm trước. Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn vẫn gặp khó khăn bởi do diện tích rừng trên địa bàn lớn, địa hình chia cắt, thời tiết mưa nhiều nên khó khăn trong tuần tra, kiểm tra rừng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn mỗi xã có một người, địa bàn rộng, địa hình chia cắt nên rất khó khăn trong công tác tuần tra.
Ông Nguyễn Hoài Tâm- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng; thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia bảo vệ rừng và tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp. Đặc biệt, tiến hành rà soát các điểm nóng về vi phạm lâm nghiệp để có kế hoạch tuần tra truy quét đột xuất, thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn giảm thiểu các vụ vi phạm, mặt khác, tập trung rà soát xử lý các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, các nơi là đầu mối tiêu thụ lâm sản khai thác trái phép.
Để công tác quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của các cấp chính quyền; phát huy vai trò, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng và các hành vi tiêu cực. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong bảo vệ rừng nhất là lực lượng Kiểm lâm, Dân quân tự vệ, Công an…qua đó, nâng cao tính chủ động trong công tác quản lý bảo vệ, nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng…
Hà Nam