01/09/2017 08:01
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 09/2013/NQ-HĐND ngày 4/7/2013 về thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND ngày 16/8/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh; xây dựng Đề án cho giai đoạn 2016 – 2020 và sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh... Việc bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được củng cố và tăng cường một bước.
Theo số liệu thống kê về kết quả thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, tính đến hết năm 2016 cho thấy, toàn tỉnh khoán bảo vệ trên 898.000 lượt héc ta rừng; khoanh nuôi phục hồi 12.869ha rừng; trồng và chăm sóc 7.972,9ha rừng…
|
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc trồng rừng sản xuất đạt thấp (chỉ đạt 20,4% kế hoạch tỉnh giao); một số địa phương vẫn còn để xảy ra mất rừng; độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh không tăng so với thời điểm lập quy hoạch mà có xu hướng giảm. Tốc độ phát triển rừng còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng đất đai hiện có. Việc tăng trưởng của ngành lâm nghiệp thấp, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Ngành lâm nghiệp cũng chưa tạo ra được nhiều việc làm, đa số người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể sống được bằng nghề rừng.
Việc không đạt kế hoạch và mục tiêu trên có nhiều nguyên nhân. Về nguyên nhân khách quan do nhận thức của một bộ phận dân cư vùng nông thôn còn hạn chế; diện tích rừng lớn, sức ép dân số lên đất rừng và lâm sản ngày càng gia tăng, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, thị trường đầu ra của sản phẩm rừng trồng không có tiềm năng nên người dân không phát triển trồng rừng sản xuất.
Về nguyên nhân chủ quan, do khó khăn về tài chính Công ty CP tập đoàn Tân Mai không trồng rừng nguyên liệu giấy theo mục tiêu đề ra; một bộ phận diện tích rừng nghèo được chuyển đổi sang trồng cao su; diện tích đất có rừng khi xây dựng quy hoạch mang tính kế thừa chưa chính xác. Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển lâm nghiệp chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, nguồn lực của khu vực ngoài quốc doanh còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy…
Trước yêu cầu đặt ra, để nâng cao hơn nữa độ che phủ rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị triển khai các giải pháp có tính căn cơ như: HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh cơ cấu sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hướng khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng ở những nơi cần thiết và có nguy cơ xâm hại cao; số tiền còn lại ưu tiên cho việc hỗ trợ trồng rừng và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh đánh giá lại hiệu quả Dự án quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum của Công ty CP tập đoàn Tân Mai, trường hợp không hiệu quả thì thu hồi giấy phép đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác tham gia phát triển rừng sản xuất.
Đào Nguyên