Nâng cao thu nhập từ “mì cán bộ”

24/11/2021 13:06

Không tính các cây trồng khác, nhiều hộ dân ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy thu nhập cao nhờ trồng “mì cán bộ”, bởi bên cạnh được mùa, giá củ cao ổn định, người dân còn bán được hom giống.

Dẫn chúng tôi đến thôn Bình Đông tìm hiểu người dân đang thu hoạch mì, Bí thư Đảng ủy xã Sa Bình Nguyễn Minh Thuận vừa đi vừa kể chuyện: Hơn một tháng nay, người dân trong xã rộn ràng vào vụ thu hoạch “mì cán bộ”. Năm nay, “mì cán bộ” được mùa, được giá củ, giá hom (thân cây), bà con trồng mì phấn khởi. 

Phấn chấn trước “mì cán bộ” được mùa, được giá, ông Trần Đình Chung, thôn Bình Đông khoe: Gia đình tôi trồng hơn 1ha mì, mới thu hoạch 5 sào được 30 tấn củ. Với giá bán cho nhà máy chế biến tinh bột mì ở xã 2.400 đồng/kg củ, gia đình thu 72 triệu đồng. Ngoài việc bán mì, gia đình còn bán 20.000 bó hom mì (mỗi bó 20 hom cây) với giá 24.000 đồng/bó cho thương lái, thu 48 triệu đồng. Giá củ mì ổn định, giá hom cao, gia đình có thêm nguồn thu nhập không nhỏ. 

Người dân đang thu hoạch “mì cán bộ”. Ảnh: V.N

 

Thấy tôi ngớ người về tên giống mì lạ, Bí thư Thuận giải thích: Giống “mì cán bộ” bà con thường gọi là giống mì KM 140. Giống mì này có nguồn gốc từ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, được huyện hỗ trợ cho cán bộ xã trồng khảo nghiệm để sau đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Sau khi trồng có hiệu quả kinh tế cao, xã lấy giống hỗ trợ cho người dân, sau này bà con gọi là “mì cán bộ” thành quen. Giống mì này có năng suất cao, hàm lượng tinh bột nhiều, nấu củ ăn ngon nên được dân phát triển mạnh. Hiện nay, phần lớn diện tích mì trên địa bàn xã là giống KM 140.

Đang nhổ mì, nghe tôi hỏi về năng suất, ông Vi Hồng Kết (thôn Bình Đông) gạt mồ hôi, cười tươi: Ruộng “mì cán bộ” nhà tôi trên đất phù sa này năng suất bình quân khoảng 7 tấn/sào. Với 6 sào mì này, gia đình dự thu trên 40 tấn củ. Giá bán 2.350 đồng/kg củ, gia đình dự thu trên 90 triệu đồng. Hỏi sao có người lại bán 2.400 đồng/kg, ông Kết phân trần: Có sự khác nhau là theo từng thời điểm và chất lượng củ.

Rời thôn Bình Đông, tôi đến thôn Lung Leng. Qua trao đổi, ông A Lưới đang thu mì xởi lởi: Nhà trồng gần 3ha “mì cán bộ”, mới nhổ gần 2ha, được 100 tấn củ. Với giá bán 2.350 đồng/kg củ, gia đình dự thu 235 triệu đồng. Ở diện tích mì thu hoạch, gia đình lãi khoảng 200 triệu đồng. Riêng hom giống, gia đình chờ thương lái vào thu mua. Đầu tư thâm canh mì cán bộ, gia đình có thu nhập khá, cuộc sống ngày càng được ổn định và nâng cao hơn.

Ở làng Lung Leng, số hộ thu hàng trăm triệu đồng trở lên từ tiền mì khá nhiều. Bàn việc thu mì, ông Nguyễn Văn Thám giọng rổn rảng: Gia đình tôi trồng 4ha mì, thu 220 tấn củ. Với giá bán 2.400 đồng/kg, gia đình thu gần 530 triệu đồng. Ngoài việc bán củ, gia đình còn thu trên 100 triệu đồng từ bán hom giống. Không tính các cây trồng khác, riêng mùa mì năm nay, gia đình thu 630 triệu đồng tiền từ bán mì.    

Gần 1 tháng nay, thương lái từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Tây Ninh… tìm đến xã thu mua hom mì về bán cho dân trồng. Anh Nguyễn Minh Tuấn, thôn Bình Trung cũng mua 30 nghìn bó hom “mì cán bộ” (tương ứng 15 xe tải) chở vào tỉnh Tây Ninh để bán. “So với mọi năm, giá hom “mì cán bộ” năm nay tăng mấy nghìn đồng/bó hom”- anh Tuấn cho hay.

“Mặc dù mấy ngày gần đây, việc thu mua hom “mì cán bộ” chững lại so với trước do ở các tỉnh đồng bằng đang mưa. Người dân hy vọng, sau đợt mưa ở đồng bằng, thương lái sẽ tiếp tục lên thu mua. Nguồn hom giống “mì cán bộ” ở xã vẫn còn nhiều”- Bí thư Thuận khẳng định. 

Nhìn xuống các ruộng và lên các dãy đồi mì, tôi thấy lượng mì chưa thu hoạch còn nhiều. Trong 700ha mì ở xã, ước người dân chỉ mới thu khoảng 1/2 diện tích mì trồng. Nghĩa là lượng hom giống mì cán bộ để người dân các tỉnh khác và các nơi trong tỉnh đến thu mua vẫn còn lớn.

Trong chiến lược phát triển cây mì, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Minh Thuận cho biết, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy mì, xã giữ nguyên diện tích và vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hướng người dân tiếp tục đầu tư thâm canh theo hướng hữu cơ bền vững để nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích; nâng cao đời sống người dân. Đồng thời, trong thời gian đến, xã tiếp tục tìm thêm nguồn giống mì mới có năng suất cao để đa dạng giống mì ở địa phương.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác