Nâng cao hiệu quả đầu tư công trên địa bàn tỉnh

21/07/2021 06:05

Giai đoạn 2016-2020, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đầu tư công trung hạn trên địa tỉnh được thực hiện tích cực, góp phần quan trọng cho việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh. Đồng thời, hưởng lợi nguồn đầu tư công này, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các địa phương được nâng cấp, tạo diện mạo mới cho các địa phương…

Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, các đại biểu tham dự đã đánh giá, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cơ bản đạt nhiều kết quả tích cực. 

Cụ thể, 5 năm qua, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn được thực hiện toàn tỉnh là 10.511 tỷ đồng, đã giải ngân 9.871 tỷ đồng, đạt 93,9% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương được trung ương giao, cùng với nguồn thu ngân sách tỉnh thực hiện đã thực hiện đầu tư được 4.918/5.093 tỷ đồng, đạt 96,57%; nguồn vốn trung ương bố trí đã giải ngân 4.953 tỷ đồng/5.418 tỷ đồng, đạt 91,4% kế hoạch được giao. 

Nhờ đó, hầu hết các công trình, dự án thực hiện đúng tiến độ đề ra, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội thời gian qua, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh hằng năm tăng khá cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 9,13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; GRDP bình quân đầu người tăng từ 29,81 triệu đồng lên 46,58 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn này tăng 8,3%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn qua là 62,486 tỷ đồng.

Thường trực Tỉnh ủy thăm, làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Song Nguyên Kon Tum. Ảnh: MT

 

Nhờ nguồn vốn đầu tư trên, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các địa phương cũng được tập trung đầu tư, nâng cấp; nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đầu tư xây dựng, tạo diện mạo mới cho các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trên địa bàn, cũng như kết nối và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đánh giá, đi cùng với kết quả đạt được trên, quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn qua vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, khả năng cân đối bố trí kế hoạch vốn hằng năm để triển khai thực hiện các dự án chưa đạt kế hoạch trung hạn đã giao. Việc huy động nguồn vốn từ các dự án khai thác quỹ đất và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác cho đầu tư phát triển chưa đạt so với yêu cầu. Một số công trình trọng điểm triển khai còn chậm tiến độ. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn hàng năm còn thấp, dẫn đến số vốn chuyển nguồn sang năm sau còn lớn.

Qua công tác kiểm tra của Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, chất lượng của một số công trình chưa cao; có công trình chưa phát huy được hiệu quả như mục tiêu đã đề ra; việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, mục tiêu theo chỉ đạo, quy định của trung ương còn hạn chế, chưa đồng bộ.

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua định hướng tổng kế hoạch vốn nguồn ngân sách nhà nước đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh gần 14.279 tỷ đồng, với định hướng sử dụng hiệu quả nguồn vốn công như là “vốn mồi” để huy động, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; nhằm tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư tập trung đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính chất liên vùng, có sức lan tỏa và tác động lớn tới phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh địa phương thời gian tới.

Theo đó, thời gian tới, các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính, ngân sách 5 năm tới.

Đồng thời, các sở, ngành tỉnh và địa phương cần tập trung đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, giảm các khoản chi thường xuyên để tăng tỷ trọng cho chi đầu tư phát triển; chú trọng công tác khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư; tăng cường các biện pháp khắc phục tình trạng chuẩn bị sơ sài gây lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua. Mặt khác, các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật Đầu tư công, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn tới.

Ở các địa phương, phải tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, cần phải chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể từ nay đến 2025; thực hiện đúng chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ, hoặc đột xuất theo quy định (bao gồm đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc); có theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án.

Các địa phương, đơn vị phải chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư; tiến hành kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm việc ứng trước kế hoạch vốn phải phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, bảo đảm lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng tiến độ quy định.

Các địa phương, sở, ngành được giao nhiệm vụ phải kiên quyết không nghiệm thu công trình, các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền quyết định; tạo điều kiện để Mặt trận, đoàn thể các cấp và nhân dân tăng cường công tác giám sát cộng đồng, thực hiện tốt quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; công khai hóa các thông tin về công trình, dự án đầu tư trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Việc thực hiện đúng các mục tiêu, giải pháp triển khai đầu tư công sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu lớn mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là: huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao... đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 2021-2025.

Mai Trâm

Chuyên mục khác