17/04/2022 06:03
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, các làng nghề, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh làm chủ thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn.
Ngày 12/12/2018, UBND tỉnh Kon Tum có Quyết định 1329/QĐ-UBND ban hành “Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Chương trình OCOP). Mục tiêu của Đề án nhằm khai thác các lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên để phát triển đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu, sản phẩm phi nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu, giai đoạn năm 2018-2030, Quy hoạch phát triển 138 sản phẩm theo 06 nhóm/ngành hàng để tập trung đầu tư phát triển gắn với tổ chức sản xuất gồm: 108 sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu; 10 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng như vải may mặc, lưu niệm, nội thất và trang trí và 14 sản phẩm du lịch. Trong đó, tập trung phát triển 85 sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh của các huyện, xã từ các sản phẩm quy hoạch và lựa chọn 10 sản phẩm cấp huyện để tập trung đầu tư đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1-2 sản phẩm/năm được hỗ trợ thực hiện theo Chương trình OCOP, các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 148 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó 1 sản phẩm được Trung ương công nhận đạt 5 sao cấp quốc gia; 20 sản phẩm đạt 4 sao (có 6 sản phẩm có tiềm năng 5 sao); 127 sản phẩm đạt 3 sao; có 77 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm được công nhận.
|
Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, một số sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, định hướng, mục tiêu thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2025, quy hoạch và phát triển 350 sản phẩm OCOP, khoảng 200 chủ thể tham gia (gồm 300 sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu; 40 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng như vải may mặc, lưu niệm, nội thất và trang trí và 10 sản phẩm du lịch), các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với ít nhất có từ 10 sản phẩm có tiềm năng đạt 05 sao. Sản phẩm OCOP của tỉnh có mặt tại thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường các hoạt động kết nối thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định đây là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong việc tạo động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn; kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện chương trình các cấp; xây dựng đội ngũ tư vấn OCOP, hệ thống đối tác OCOP và hệ thống sản xuất, phát triển sản phẩm. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng; phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khoa học, công nghệ; hỗ trợ phát triển sản phẩm; đào tạo nhân lực và chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Đồng thời, tìm ra giải pháp để phát triển các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm hàng hoá và hình thành sản phẩm OCOP, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Quang Mạnh