Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế

05/10/2022 13:03

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế là để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trong tình hình mới.

Thực hiện chức năng định hướng kinh tế, tỉnh đã triển khai hàng loạt chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giải quyết đầu ra cho nông sản do nông dân trên địa bàn làm ra, như Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 của HĐND tỉnh về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Nghị quyết số 39/2017/NQ-HĐND ngày 11/12/2017 và Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND.

Công tác quy hoạch, rà soát bổ sung và triển khai quy hoạch được thực hiện kịp thời. Chất lượng công tác quy hoạch từng bước được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tốt, đúng định hướng tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng địa phương.

Trong những năm qua, căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch, kế hoạch của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, tỉnh Kon Tum đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm, làm căn cứ để triển khai thực hiện.

Các kế hoạch đã bám sát các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của Chính phủ.

Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch đô thị, nông thôn đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Ảnh: SC

 

Kết quả đạt được là quy mô kinh tế của tỉnh tăng đáng kể. Đến cuối năm 2020 tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 25.851 tỷ đồng, tăng gần 75% so với năm 2015. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,13%/năm.

Ngày 24/12/2020, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 (kèm theo Quyết định số 43/2020/QĐ-UBND), trong đó, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm; lĩnh vực đột phá. Đồng thời nhận định, phân tích tương đối chính xác và cụ thể cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Chất lượng công tác lập kế hoạch cao dẫn đến sự phân bổ nguồn lực theo thứ tự ưu tiên tốt hơn, phù hợp thực tế hơn. Đảm bảo sự kế thừa thành quả đạt được cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Xác định được các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách đảm bảo khả thi, gắn kết với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phân tích, đánh giá, lựa chọn và sắp xếp thứ tự các mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và kế hoạch đầu tư công; lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Đó là, việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn; một số dự án kêu gọi đầu tư chậm triển khai thực hiện và kéo dài; một số tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được phát huy đúng mức, nhất là tiềm năng về du lịch và dược liệu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.

Bên cạnh đó, chưa khắc phục được tình trạng chung chung ở một số kế hoạch cấp cơ sở; chứa đựng nhiều chỉ tiêu mang tính số học, cứng nhắc hoặc mang ý chí áp đặt của người lập dẫn đến quá trình thực hiện gặp khó khăn, thậm chí không thể thực hiện.

Ví dụ, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm được triển khai đảm bảo cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới. Nhưng việc lập và triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân trong việc thực hiện các quyền sử dụng đất.

Phần lớn các dự án đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm, chưa được thẩm định, rà soát chặt chẽ về hiện trạng, diện tích đất, năng lực nhà đầu tư, tính khả thi, hiệu quả của từng dự án; nhiều dự án chưa đảm bảo đầy đủ các thủ tục theo quy định, một số dự án chỉ thực hiện bước thỏa thuận, nghiên cứu đầu tư.

Để thực hiện tốt chức năng định hướng của Nhà nước trong quản lý kinh tế, tỉnh Kon Tum nhận diện, bên cạnh các yếu tố thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã và đang tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Trong bối cảnh đó, cần tiếp tục triển khai có chất lượng công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tập trung phát triển các vùng kinh tế động lực và xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đảm bảo đồng bộ, kế thừa, ổn định và phù hợp với quy hoạch tỉnh. Nghiên cứu các giải pháp khả thi nhằm tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch theo đúng tiến độ đã xác định.

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 đảm bảo chất lượng và khả thi, phù hợp với định hướng chung và cơ chế thị trường, làm cơ sở cho việc phân bổ hợp lý các nguồn lực, yếu tố sản xuất (vốn, đất đai, tài nguyên) phục vụ các chính sách xã hội.

Sông Côn

Chuyên mục khác