Nâng cao giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm OCOP

18/03/2021 13:17

Theo xu hướng phát triển và hội nhập, “truy xuất nguồn gốc” không còn xa lạ, song với không ít người tiêu dùng hiện nay, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ. Vấn đề sẽ trở nên quen thuộc, nếu mọi người chịu khó để ý sử dụng một phần mềm đơn giản để tìm hiểu một cách cụ thể về sản phẩm mà mình lựa chọn. Đó cũng chính là cách giới thiệu, phổ biến để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trong tỉnh.

Đảm nhận việc nội trợ hàng ngày, song gần đây, chị Nguyễn Thùy Linh ở tổ 7, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum mới làm quen với việc “truy xuất nguồn gốc”. Bằng chiếc điện thoại thông minh quen thuộc, với thao tác đơn giản trên “tem” sản phẩm, ngay lập tức, chị đã có thể nắm bắt được những thông tin cơ bản của cà phê bột Ngọc Nguyên. Thông tin cần thiết về hàng hóa giúp chị yên tâm mua về sử dụng một trong số sản phẩm OCOP của huyện Ngọc Hồi.

 Có thể nhận thấy, gắn với việc xây dựng “thương hiệu” cho các sản phẩm OCOP, thời gian qua, các hộ cá thể, cơ sở sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã từng bước quan tâm tới việc đăng ký mã vạch, mã ngành, đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm…Tuy không phải là một trong số tiêu chí bắt buộc để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, song truy xuất nguồn gốc vẫn được nhìn nhận một cách khách quan, nghiêm túc trong quá trình xét chọn, như một sự động viên, khuyến khích các chủ thể tham gia đăng ký sản phẩm OCOP.

Hiện có khoảng 80% sản phẩm OCOP có phần mềm truy xuất nguồn gốc được đăng ký. Ảnh: Văn Phương

 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 88 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận, trong số này, khoảng 80% sản phẩm có phần mềm truy xuất nguồn gốc được đăng ký, sử dụng. Điều đó thể hiện nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường và hướng tới mục tiêu cao nhất nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Phần mềm truy xuất nguồn gốc chủ yếu thuộc về các sản phẩm được chế biến từ cà phê, sâm Ngọc Linh, sâm dây, một số cây dược liệu, trái cây, rau - củ - quả, gia súc gia cầm…

 Tuy vậy, theo Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh, các sản phẩm OCOP được sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thực chất mới phổ biến là “truy xuất thông tin” thông qua việc tạo mã QR Code trên sản phẩm. Trong khi đó, truy xuất nguồn gốc đúng nghĩa cần đảm bảo truy xuất toàn bộ quá trình sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm.  

Quán triệt, triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc được ban hành theo quyết định số 100/QĐ-TTg của Chính phủ, ngày 26/8/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2217/KH-UBND, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này... Trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc, các đơn vị, cơ sở, hộ cá thể đảm bảo công khai, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm; toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, “đạt tối thiểu 30% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh - dịch vụ tại địa bàn có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế”.  

UBND tỉnh cũng xác định tập trung “hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm an toàn được ứng dụng hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc…”. Vì vậy, các sản phẩm OCOP cấp tỉnh hy vọng sẽ có thêm điều kiện để tiếp tục được củng cố, bổ sung, hoàn thiện nội dung truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Thanh Như

Chuyên mục khác