Nâng cao đời sống cho người dân gắn bó với rừng

31/12/2018 12:52

​Phát huy tác động tích cực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỉnh ta tăng cường giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng để góp phần giúp người dân sống gần rừng nâng cao đời sống và nâng cao hiệu quả bảo vệ tài nguyên rừng.

Đến thăm khu rừng do cộng đồng thôn Đăk Phía, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà nhận khoán từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà, chúng tôi nhận thấy rừng đang hồi sinh; rừng được bảo vệ tốt, không có dấu hiệu xâm hại mới.

Trao đổi với chúng tôi, A Nhan - thôn trưởng thôn Đăk Phía cho biết: Cộng đồng thôn Đăk Phía được khoán bảo vệ 262,8ha rừng. Kể từ khi được khoán quản lý bảo vệ và được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng thành lập các nhóm tuần tra bảo vệ rừng, không để xảy ra mất rừng. Hàng năm, sau khi nghiệm thu rừng nhận khoán, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà chi trả đủ tiền cho cộng đồng nhận khoán. Chỉ tính riêng năm 2018, cộng đồng nhận trên 90 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Sau khi nhận tiền, cộng đồng chi cho các hoạt động sinh hoạt của cộng đồng, còn lại chia cho người dân tham gia tuần tra bảo vệ rừng.

Ở làng Kon Brắp Du, xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), chúng tôi gặp nhiều hộ nhận khoán rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy. Gắn bó với rừng và được hưởng lợi từ chính sách dịch vụ môi trường rừng, người dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong làng, xuất hiện nhiều nhân tố điển hình trong công tác quản lý bảo vệ rừng như A Veh, A Kring Đeng, A Yên... được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy đánh giá cao.

Gắn bó với rừng, nhiều chị em ở thôn 1, thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) đã phát triển được những vườn bời lời xanh tốt. Ảnh: V.N

 

A Veh chia sẻ: Người Ba Na làng Kon Bắp Du từ bao đời nay gắn bó với rừng. Rừng là nguồn mạch của sự sống, rừng cho người dân nhiều lâm sản phụ như rau rừng, măng rừng, nấm, con sóc, con chuột... Nhận khoán bảo vệ rừng theo chính sách dịch vụ môi trường rừng, hàng năm, người dân trong cộng đồng có thêm thu nhập từ 4-5 triệu đồng/hộ do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy chi trả. Chính sách dịch vụ môi trường đã góp phần nâng cao đời sống cho dân làng.

Theo ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, toàn tỉnh có 361.569,46ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (chiếm 63,5% tổng diện tích rừng toàn tỉnh), trong đó có 138.567,01ha rừng được các chủ rừng là tổ chức khoán cho các hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn quản lý, bảo vệ.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2017, các đơn vị chủ rừng là tổ chức của Nhà nước (các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng) và UBND các xã đã khoán quản lý bảo vệ rừng cho 1.462 hộ gia đình, cá nhân; 226 cộng đồng dân cư thôn... Từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả (ủy thác qua các ban chi trả dịch vụ môi trường rừng huyện) cho các hộ gia đình, cộng đồng được Nhà nước giao đất giao rừng bình quân khoảng 5,18 triệu đồng/hộ/năm và khoảng 53,93 triệu đồng/cộng đồng/năm. Đối với rừng giao khoán, bình quân các chủ rừng là tổ chức chi trả khoảng 8 triệu đồng/hộ/năm và gần 130 triệu đồng/cộng đồng/năm.

Theo khẳng định của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, trong năm 2018, tuy chưa có số liệu báo cáo đầy đủ của các chủ rừng, nhưng chắc chắn người dân và cộng đồng sẽ có thu nhập cao hơn từ nguồn dịch vụ môi trường rừng của Nhà nước chi trả cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Có thể khẳng định, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng góp phần quan trọng cho các hộ gia đình, cộng đồng sống gần rừng cải thiện và nâng cao đời sống. Gắn quyền lợi với trách nhiệm, người dân và cộng đồng ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Diện tích rừng cung ứng dịch vụ ngày càng được bảo vệ tốt và hồi sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực này, vẫn còn một số chủ rừng là tổ chức, UBND các xã, thị trấn để xảy ra vi phạm lâm luật và chưa hoàn thành việc giao khoán rừng cho người dân và cộng đồng theo Quyết định số 501/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh Phê duyệt điều chỉnh Phương án khoán quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh.

Trước những yêu cầu đặt ra, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đề nghị các chủ rừng là tổ chức của Nhà nước thực hiện nghiêm túc việc giao khoán rừng cho hộ gia đình, cộng đồng theo Phương án khoán quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm lâm luật, góp phần bảo vệ và phát triển có hiệu quả tài nguyên rừng.

Văn Nhiên 

Chuyên mục khác