Nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường của dự án

11/05/2024 13:22

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc, cũng là một trong những bước chuẩn bị rất quan trọng trước khi triển khai các dự án đầu tư.

Báo cáo ĐTM là một yêu cầu không thể thiếu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp cân nhắc trong quá trình quyết định đầu tư và phê duyệt dự án.

Đây còn là cơ sở để doanh nghiệp biết rõ hơn về hiện trạng chất lượng môi trường, từ đó có thể đề ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả nhằm đạt các tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Hơn nữa, là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá đúng về công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Ông Đặng Thanh Long- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhìn nhận báo cáo ĐTM có vai trò quan trọng trong kiểm soát, phòng ngừa ô  nhiễm môi trường ngay từ khâu lập dự án. Nhất là với các dự án sản xuất, kinh doanh thuộc diện có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều loại hình dự án khác nhau phải lập báo cáo ĐTM, từ dự án hồ chứa, thủy điện; giao thông, đến trang trại chăn nuôi; nhà máy chế biến nông sản; sản xuất vật liệu xây dựng; thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

Báo cáo ĐTM là căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý công tác bảo vệ môi trường của các dự án. Ảnh: TH

 

Theo quy định, trong báo cáo ĐTM của các chủ đầu tư dự án phải phân tích, nhận dạng, đánh giá, dự báo các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh theo các giai đoạn của dự án đầu tư đến môi trường; quy mô, tính chất của chất thải.

Đồng thời đánh giá được tác động đến đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa và yếu tố nhạy cảm khác; tác động do giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có); nhận dạng, đánh giá sự cố môi trường có thể xảy ra của dự án đầu tư.

Từ đó, đưa ra các nhóm biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đầu tư đến môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có); phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; chương trình quản lý và giám sát môi trường;

Theo Sở TN&MT, qua quá trình triển khai thi hành các quy định pháp luật cho thấy, nội dung và chất lượng của các báo cáo ĐTM ngày càng rõ ràng, khoa học và kỹ lưỡng, chi tiết hơn, được hội đồng thẩm định đánh giá cao.

Vì vậy, khi đi vào vận hành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, góp phần bảo vệ môi trường. Cơ quan quản lý cũng thuận lợi hơn trong việc giám sát thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn những bất cập trong lập báo cáo ĐTM hiện nay. Trong đó, bất cập lớn nhất chính là nội dung báo cáo ĐTM phải “ôm” thêm nhiều việc, từ dự báo các tác động đối với đời sống xã hội, đối với sức khỏe con người đến dự báo cả các rủi ro, sự cố do dự án gây ra.

Việc tham vấn cộng đồng dân cư trong vùng tác động dự án còn bất cập. Ảnh: T.H


Một trong những bước quan trọng của báo cáo ĐTM chính là tham vấn ý kiến cộng đồng. Tuy nhiên, có không ít báo cáo chưa thực hiện việc tham vấn đúng nghĩa, khi thực hiện qua loa, chiếu lệ. Người dân vùng tác động của dự án không được tìm hiểu kỹ, hoặc hiểu biết hạn chế nên nhanh chóng đồng ý.

Thậm chí, một số báo cáo do cùng nhà tư vấn lập, theo cách thức lấy ý kiến “đại diện”, nên giống nhau về ý kiến trả lời tham vấn của UBND cấp xã, của thôn, làng; ngay cả lỗi chính tả cũng... không khác.

Mặt khác, có không ít báo cáo được xây dựng mang tính hình thức, “làm cho có”, gần như chỉ là bước “thủ tục” hỗ trợ để doanh nghiệp và chủ đầu tư được phê duyệt dự án. Nhiều khi hội đồng thẩm định trở thành “người sửa lỗi” cho tư vấn.

Cũng có không ít trường hợp chủ dự án “giao khoán”, phó mặc cho bên tư vấn thực hiện Báo cáo ĐTM nên nội dung tư vấn đưa ra trong báo cáo không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án.

Một số dự án thực hiện tham vấn báo cáo ĐTM qua trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định còn bất cập hơn. Do người dân không biết về trang thông này, hoặc có biết cũng ngại tiếp cận để tìm hiểu, nghiên cứu, nên hầu như không ghi nhận được ý kiến nào.

Ví dụ báo cáo ĐTM dự án “Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm” ở phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum. Thời gian đăng tải trên trang thông tin của Sở TN&MT để tham vấn là 15 ngày. Nhưng cho đến khi kết thúc không nhận được ý kiến góp ý nào đến từ các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp của dự án.

Để khắc phục những bất cập trong công tác lập, thẩm định báo cáo ĐTM, trước hết cần quán triệt rõ quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Trên cơ sở đó, nhìn nhận ĐTM như là một trong những công cụ “quyết định các dự án đầu tư theo định hướng phát triển bền vững”, chứ không phải chỉ là một thủ tục để hoàn thiện các bước đầu tư.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, nhằm bảo đảm phải có chủ thể chịu trách nhiệm trong trường hợp dự án được duyệt gây tổn hại môi trường xuất phát từ chất lượng của báo cáo.

Bên cạnh đó, cần xem báo cáo ĐTM là quá trình, không dừng lại khi đã nhận quyết định phê duyệt, mà cần tiếp tục suốt vòng đời dự án, bao gồm cả giám sát, quản lý môi trường sau thẩm định.

Muốn như vậy, ngành chức năng nên tăng cường công tác hậu kiểm bằng cách bố trí đủ nhân lực, trang thiết bị và thời gian để giám sát môi trường thường xuyên trong quá trình xây dựng và hoạt động của dự án. Kiên quyết xử lý việc không thực thi hoặc thực thi không đầy đủ các nội dung trong báo cáo được phê duyệt.      

Thành Hưng

Chuyên mục khác