Nan giải quản lý rượu ngâm

13/05/2017 18:11

​Từ các loại cây, củ dược liệu đến các loài động vật, cứ nghe tin đồn về công dụng chữa bệnh, tăng sức đề kháng là người ta đều đem ngâm với rượu và coi đó như loại đồ uống đặc sản. Rượu ngâm được sử dụng ngày càng phổ biến, được mua bán tràn lan, nhưng ngành chức năng lại không dễ quản lý.

Tràn lan các loại rượu ngâm

Cuộc sống được nâng lên, nhiều người ngày càng có xu hướng chuộng các loại hàng hoá tốt cho sức khoẻ; tuy nhiên, trong đó, điều đáng nói là mặt hàng rượu ngâm các loại cây, củ dược liệu, động vật... cũng được nhiều người xếp vào hàng quý được tiêu thụ ngày càng nhiều.

Từ gốc rễ, cây cỏ, rắn, rết, bào thai động vật… không kể chủng loại nào, miễn là đặc sản hay dược liệu, thậm chí chỉ nghe nói có tác dụng chữa bệnh… đại loại là tốt cho sức khoẻ là nhiều người cho vào trong bình rượu để ngâm.

Không nguồn gốc, ngâm tùy tiện, bất kể tác động đến sức khỏe của người dùng như thế nào, nhưng có một thực tế rằng rượu ngâm ngày càng trở nên phổ biến và được người dân sử dụng một cách tràn lan, vô tội vạ.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra loại rượu ngâm củ được cho là rượu sâm Ngọc Linh. Ảnh: T.H

 

Không chỉ được sử dụng trong gia đình, những năm gần đây, rượu ngâm còn được bày bán khắp nơi và tất cả đều được quảng cáo như những phương thuốc thần kỳ.

Không ít người hiện nay có trào lưu “sùng bái” rượu ngâm và đặc biệt rượu càng lạ, càng độc đáo lại càng được ưa chuộng. Họ cho rằng uống rượu ngâm như một bài thuốc, không những thế nó còn thể hiện độ sành sỏi, thậm chí là đẳng cấp của người sử dụng khi chọn những loại rượu ngâm đắt tiền.

Nhiều người còn lựa chọn rượu ngâm là thứ quà biếu đầy giá trị và thể hiện độ chịu chơi với những nguyên liệu được ngâm là những loại cây, củ, con vật quý hiếm.

Ở Kon Tum, những loại rượu ngâm thường được bày bán và sử dụng nhiều như rượu sâm Ngọc Linh, sâm dây, táo mèo, ba kích, cá ngựa, tắc kè... Những loại rượu ngâm thường được đụng trong hũ thuỷ tinh, sứ rất bắt mắt; có những hũ chỉ độ vài trăm nghìn đồng, nhưng có những bình lên tới cả vài chục triệu đồng... tất cả phụ thuộc vào giá trị của nguyên liệu được ngâm.

Rượu ngâm được bày bán từ trong các cửa hàng chuyên bán rượu, trong các quán ăn, nhà hàng, các hộ gia đình cho tới mạng xã hội, chỗ nào cũng chào bán với thượng vàng hạ cám các loại rượu ngâm.

Nói chung là cứ có lời đồn về công dụng bổ dưỡng của một loại nguyên liệu nào đó là trên thị trường lập tức sẽ xuất hiện một loại rượu ngâm về nó. Và tất cả đều tiêu thụ rất mạnh, người tiêu dùng đánh giá cao. Chính vì vậy, thị trường của loại rượu này ngày càng nhộn nhịp, nhưng cũng hỗn tạp như một “ma trận”.

Câu chuyện rượu ngâm bổ thì ai cũng nói, nhưng khi được hỏi thì hầu như tất cả đều lắc đầu không ai biết bất cứ một quy chuẩn về nguyên liệu, tỷ lệ, liều lượng cho mỗi loại. Cũng chưa có một ai kiểm nghiệm, đánh giá về công dụng kỳ diệu của các loại rượu ngâm ra sao, tất cả đều sử dụng như một trào lưu.

Không dễ quản lý

Ông Lê Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chia sẻ: Hiện nay, các loại rượu ngâm rất đa dạng và phong phú, thế nhưng quản lý mặt hàng này lại không hề đơn giản chút nào. Hiện tại, cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra, xử phạt những cơ sở kinh doanh có hoạt động mua bán rượu trong đó có rượu ngâm công khai, còn đối với những hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn thực tế, họ có một số hũ rượu ngâm, nhưng không có cơ sở để kiểm tra hay xử lý. Bởi khi kiểm tra, họ thường đưa ra lý do là rượu ngâm để gia đình sử dụng, trưng bày cho đẹp, không có trao đổi mua bán. Đôi khi, chúng tôi vẫn biết họ có trao đổi với nhau, nhưng khi hỏi thì họ lại nói của nhà làm ra để biếu, tặng cho người thân nên lực lượng chức năng cũng đành “bó tay”.  Mặt khác, hiện nay, các loại rượu ngâm thường sử dụng rượu thủ công được nấu bằng các nguyên liệu như: gạo, mì, bắp… do các hộ gia đình tự làm với quy mô nhỏ, lẻ, mang tính tự phát, lực lượng chức năng cũng không thể quản lý được quy trình nấu và chất lượng của các loại nguyên liệu, men cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc lấy mẫu kiểm tra chỉ trong trường hợp các sản phẩm đó có sự nghi ngờ về chất lượng và thường mất nhiều thời gian, chi phí tốn kém bởi muốn xác định được chất lượng sản phẩm phải gửi mẫu tới các trung tâm kiểm nghiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng để kiểm tra.

Trên thực tế, đối với mặt hàng rượu ngâm từ các loại nguyên liệu đem ngâm đến rượu được dùng để ngâm thường không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng chưa được kiểm nghiệm, đánh giá. Việc mua bán cũng chỉ dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua. Trong khi đó, hiện nay nhiều mặt hàng rượu ngâm có giá trị cao, chẳng hạn như rượu sâm Ngọc Linh rất dễ bị làm giả, thế nên người tiêu dùng nếu không thận trọng rất dễ mua và dùng phải rượu giả.

Theo khuyến cao của ngành Y tế, rượu ngâm thường được coi là các loại thuốc, nhưng đã là thuốc thì phải uống như thuốc, uống theo chỉ định và với liều lượng nhất định. Nhiều người lầm tưởng cứ đem cây, rễ cây, lá hay động vật nào đó có công dụng chữa bệnh, bổ dưỡng ngâm vào rượu rồi uống sẽ có tác dụng chữa bệnh. Trong khi thực tế cần biết cách ngâm, cách sao, tẩm cây, rễ đó trước khi ngâm với rượu thì mới có kết quả thì không ai quan tâm. Với các loài cây, con vật, côn trùng, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay; ngược lại, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì nó sẽ gây độc...

Thực tế đó cho thấy, việc buôn bán, công tác quản lý và cả nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm các loại rượu, trong đó có rượu ngâm đang là vấn đề đáng bàn. Thời gian qua, đã có nhiều vụ ngộ độc liên quan đến rượu, vì thế người tiêu dùng nên thận trọng khi sử dụng các loại rượu, kể cả các loại rượu ngâm được cho là đặc sản, thuốc quý để tránh tiền mất, tật mang.

Thiên Hương

Chuyên mục khác click to expand contents 

loading