Mường Hoong, Ngọc Linh: ​Nỗ lực giải bài toán giảm nghèo

24/06/2017 06:02

​Nỗ lực giải bài toán giảm nghèo, những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh đã giúp bà con tiếp cận các nguồn vốn; chú trọng xây dựng, triển khai các đề án cây trồng phù hợp; tập huấn nâng cao năng lực, trình độ khoa học kỹ thuật, nhận thức cho người nghèo.

Hơn 80% hộ nghèo

Toàn xã Ngọc Linh có 669 hộ, trong đó có 566 hộ nghèo, chiếm 84,6%. Ông A Tiên – Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho biết, vì địa hình trắc trở, khí hậu khắc nghiệt, gần 100% là đồng bào DTTS nên dù đã rất nỗ lực nhưng nhiều hộ vẫn rất khó thoát nghèo.

Ở Ngọc Linh, giao thông còn trắc trở nên việc phát triển kinh tế theo đó cũng khó khăn. Ngoài 8 thôn, làng có đường… xe ô tô đến, người dân tại 9 thôn, làng còn lại phải băng bộ trên những con đường xuyên rừng, xuyên suối. Như thôn Tân Rát 2, để xuống được đến xã, bà con phải đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ.

Đường từ xã đến thôn đã trắc trở, đường từ nhà lên rẫy lại cheo leo khiến việc sản xuất của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Ông A Bảy ở thôn Tân Rát 2 chia sẻ, mỗi lần muốn bán nông sản hay bán heo, gà, ông phải mất cả buổi cõng bộ xuống đến xã mới bán được. “Đường vận chuyển khó khăn nên khi thu hoạch, bà con trong làng tự cung tự cấp, trao đổi qua lại cho nhau. Do vậy, thu nhập thấp lắm” – ông A Bảy nói.

Tương tự Ngọc Linh, ở xã Mường Hoong đến nay vẫn còn 8/16 thôn, làng đường sá đi lại hết sức gian nan. Có thôn phải mất đến cả tiếng đi bộ mới đến được trung tâm xã. Ông A Tỉa ở làng Mô Po kể, để trồng được cà phê xứ lạnh, gia đình ông phải dành cả ngày cõng bộ cây giống từ xã lên làng. Rồi từ nhà lại tiếp tục cõng bộ giống lên rẫy để trồng. Việc trồng cà phê đã gian nan, khâu hái và tiêu thụ cà phê còn vất vả gấp bội.

“Mùa thu hoạch, gia đình mình phải cõng từng bao xuống dưới xã để bán. Một bao cà phê chỉ được vài trăm nghìn nhưng mất một công cõng đi bán. Đường sá trắc trở, người mua lại ép giá nữa nên thu nhập chẳng được bao nhiêu” – ông A Tỉa cho biết.

Ngoài vấn đề đường sá thì khí hậu khắc nghiệt cũng khiến kinh tế tại 2 địa phương này khó phát triển. Vừa qua, đợt rét đậm, rét hại đã làm  14 con trâu, bò tại xã Ngọc Linh bị chết (trong đó có 3 con bò thuộc chương trình 135).

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân nơi đây còn thấp, chưa biết áp dụng khoa học, kĩ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng không cao. Ông Lê Bá Thế - Chủ tịch UBND xã Mường Hoong nói rằng, bà con trên địa bàn xã chủ yếu trồng lúa nước. Bà con không sử dụng phân tro, tất cả chỉ dựa vào sức người nên tốn nhiều thời gian, công sức, sản phẩm chỉ đủ để ăn. Đặc biệt, bà con chưa mạnh dạn trong việc vay vốn để phát triển kinh tế.

“Người dân sợ vay sẽ không có điều kiện trả nên rất ít hộ vay vốn để làm ăn. Do nhiều yếu tố nên đến nay trong xã còn 81,1% hộ nghèo” – ông Thế cho hay.

Phát triển cây dược liệu

Không để đói nghèo mãi đeo bám, những năm qua, từ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, lãnh đạo 2 xã Ngọc Linh, Mường Hoong đã nỗ lực tìm hướng đi. Trước hết, bắt đầu từ nguồn vốn, xã đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để các hộ nghèo, cận nghèo mạnh dạn vay vốn để sản xuất. Đến nay, trên địa bàn xã đã dư nợ 3,9 tỷ đồng – ông Thế nói.

Sâm dây và sâm đương quy đem lại thu nhập cao cho bà con. Ảnh: H.T

 

Cùng với đó, dựa vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, từ các nguồn vốn, qua đề xuất của xã, huyện cũng chú trọng xây dựng, triển khai các đề án cây trồng phù hợp: cà phê xứ lạnh, phát triển các mô hình trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, trình độ khoa học kỹ thuật, nhận thức cho người nghèo.

Nhờ thực hiện đề án trồng cà phê xứ lạnh, đến nay, cùng với cây lúa nước, diện tích cà phê tại xã Ngọc Linh đã tăng lên 115,3ha. Trong đó, diện tích trong Đề án cà phê xứ lạnh có 42ha. “Qua việc tập trung tuyên truyền, vừa qua đã có thêm 99 hộ đăng ký tham gia trồng cà phê xứ lạnh với diện tích 20,60ha. Với diện tích đã thực hiện, chúng tôi luôn quan tâm, nhắc nhở bà con chăm sóc, làm cỏ, phòng sâu bệnh để đạt hiệu quả. Nhìn chung, nhờ cây cà phê, thu nhập của bà con cũng từng bước tăng lên” – ông A Tiên cho hay.

Cũng như Ngọc Linh, vài năm trở lại đây, phá thế độc canh cây lúa, quế, nhiều hộ gia đình tại xã Mường Hoong đã mạnh dạn trồng cà phê, nâng tổng diện tích cà phê trên địa bàn lên 112ha. “Cây cà phê giúp bà con có thu nhập ổn định hơn, tuy nhiên, vì chưa áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăm sóc nên năng suất chưa cao” – ông Thế cho biết.

Đặc biệt, cùng với cà phê, 2 năm nay, dưới sự định hướng của lãnh đạo xã, bà con tại 2 xã này cũng đã học cách trồng sâm dây, sâm đương quy để phát triển kinh tế trong gia đình. Theo đó, từ 2,1ha sâm dây (trong dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng mô hình trồng sâm dây) do Sở Khoa học và công nghệ hỗ trợ cho 12 hộ thực hiện, bà con tại xã Ngọc Linh đã nhân rộng diện tích lên 14-15ha sâm dây, đương quy. Như hộ ông A Vô ở thôn Tân Rát, từ việc trồng thử nghiệm, ông đã nhân giống, trồng lên 5 sào sâm dây. “Mỗi năm 1 sào cho khoảng 1,5-2 tạ tươi; với giá 130 ngàn/kg, 5 sào sâm bình quân thu về gần 100 triệu đồng” – ông A Vô cho hay.

Ở xã Mường Hoong cũng vậy, hơn 300 hộ dân đã nắm bắt và trồng khoảng 30ha sâm dây. Như anh A Tỉa, ở làng Mô Po, xuống giống sâm từ năm 2016, vừa rồi anh thu về được hơn 20 triệu đồng tiền sâm dây.

Một số hộ đã trồng sâm dây, sâm đương quy để phát triển kinh tế. Ảnh: H.T

 

“Sâm dây, sâm đương quy được xem là cây cứu cánh giúp bà con nơi đây có thu nhập ổn định và thoát nghèo. Hiện tại xã cũng tuyên truyền, vận động bà con trồng xen sâm dây vào các rẫy cà phê để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, thị trường đầu ra cho sâm chưa thật sự ổn định nên chúng tôi cũng định hướng, không để bà con sản xuất ồ ạt, tránh tình trạng không tiêu thụ được” – ông Thế cho biết.

Vừa qua, chính quyền 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai thành lập mô hình tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây, sâm đương quy cho các chị em tại 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh với diện tích khoảng 5ha.

“Từ mô hình tổ liên kết, chúng tôi cũng định hướng để bà con biết cách sản xuất tập trung, qua đó chia sẻ kinh nghiệm, vươn lên phát triển kinh tế. Chúng tôi cũng nỗ lực vận động bà con chăm chỉ làm ăn, phấn đấu giảm từ 3-4% hộ nghèo/năm ” – ông A Tiên cho hay.

Tìm ra thế mạnh, xã Mường Hoong đã vận động người dân phát triển, khai thác tiềm năng từ cây dược liệu sâm dây và đương quy. Và cũng như Ngọc Linh, ông Thế cho biết, mỗi năm xã Mường Hoong luôn cố gắng phấn đấu giảm từ 6-8% hộ nghèo.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác