Muôn kiểu hô biến hàng “rởm” thành hàng Việt

03/03/2018 07:00

​Lợi dụng sự tin tưởng của người dân dành cho hàng Việt, thời gian gần đây, một số người kinh doanh bất chính đã đưa ra thị trường những mặt hàng “rởm”, hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi, song lại ngang nhiên gắn cho những sản phẩm này danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Điều này đã gây lo lắng, hoang mang cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp chân chính.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi qua chặng đường hơn 8 năm. Với sự tích cực tuyên truyền, vận động; nỗ lực đưa hàng Việt đến gần hơn với người dân của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp đã giúp tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và thói quen tiêu dùng của đại bộ phận nhân dân. Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và dành ưu tiên trong việc lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam.

Nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc vẫn được quảng cáo là hàng Việt để bán cho người dân nông thôn. Ảnh: T.H

 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số đối tượng làm ăn bất chính đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng dành cho hàng Việt để hô biến các mặt hàng kém chất lượng, hàng rởm, hàng giả thành hàng Việt Nam chất lượng cao để bán cho người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng nông thôn. Đáng lo hơn là trong đó, có rất nhiều mặt hàng Trung Quốc giá rẻ được người bán quảng cáo, tiếp thị núp dưới danh nghĩa hàng Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các khu vực chợ dân sinh, khu trung tâm mua bán từ thành phố Kon Tum tới các huyện thường xuất hiện một số người bán hàng theo kiểu đổ buôn, đổ đống rất nhiều loại hàng từ hàng may mặc, giày dép đến đồ gia dụng... Nói chung là “thượng vàng hạ cám” được xả tràn lan ra lề đường, cổng chợ với giá bán có thể nói là siêu rẻ.

Chẳng hạn như một đôi dép chỉ có 35.000 đồng, áo thun 100.000 đồng/3 chiếc, quần jean chỉ 100.000 đồng/chiếc, balô, túi xách chỉ từ 50.000 đồng/sản phẩm; dụng cụ nhà bếp 10.000 đồng/món...

Những người bán hàng luôn mạnh miệng chào bán, giới thiệu đây là hàng Việt Nam chất lượng cao, các nhà sản xuất đang có chương trình khuyến mãi nên giảm giá sốc hoặc bán giá ưu đãi cho bà con nông thôn... Và đương nhiên, hầu hết người tiêu dùng đều bị hấp dẫn bởi những lời chào mời có cánh và đinh ninh rằng mình đã có được cơ hội mua hàng Việt giá rẻ.

Tuy nhiên, nếu tinh ý kiểm tra, người tiêu dùng sẽ nhận thấy những mặt hàng được chào mời là hàng công ty, hàng Việt chính hãng đại hạ giá này hầu như không có nhãn mác, hàng hoá không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; những công ty được quảng cáo cũng chẳng ai biết ở đâu.

Song, không phải người tiêu dùng nào cũng đủ “thông thái” để phân biệt được thật - giả, hay nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Nhất là người tiêu dùng nông thôn vẫn còn một bộ phận không nhỏ chưa có điều kiện mua hàng ở các doanh nghiệp, cơ sở uy tín bởi giá cả hàng hoá thường cao nên các mặt hàng giá rẻ này luôn được họ ưu tiên lựa chọn.

Mặt khác, có rất nhiều người mua hàng chủ yếu dựa trên quảng cáo và niềm tin đối với người bán hàng.

Cùng với hoạt động bán hàng rong, thời gian qua, ở một số vùng nông thôn, một số doanh nghiệp còn mượn danh thực hiện “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam”  để tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu hàng hóa và bán hàng có khuyến mãi, nhưng thực chất là để bán các mặt hàng giá rẻ, kém chất lượng. Rất nhiều loại hàng hoá có giá trị như nồi cơm điện, quạt điện, bếp ga, bếp từ... dởm đã được bán một cách hợp thức.

Những mặt hàng gia dụng giá siêu rẻ luôn được quảng cáo là hàng Việt. Ảnh: T.H

 

Điều đáng nói là, các hoạt động bán hàng này diễn ra rất công khai, ngay tại các chợ, các khu vực trung tâm, nhưng không thấy lực lượng chức năng nào xử lý, xử phạt. Vì thế mà hoạt động này mới có cơ hội diễn ra tràn lan, khắp nơi và liên tục tái diễn. Chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt thòi.

Ngoài ra, cũng phải kể thêm rằng, thời gian qua, tại một số hội chợ, phiên chợ hàng việt về nông thôn, vẫn còn nhiều mặt hàng không phải hàng Việt, thậm chí là hàng thanh lý, hàng xổ không hiểu sao vẫn lọt qua cửa kiểm soát của các cơ quan chức năng, đàng hoàng gắn nhãn mác “made in Vietnam”. Và những người bán hàng này lại tìm cách lôi kéo, dụ dỗ người dân bằng sự ưu ái dành cho hàng Việt Nam.

Những kiểu “hô biến” hàng “rởm”, hàng trôi nổi thành hàng Việt đã khiến cho người dân mất dần niềm tin vào thị trường hàng hóa trong nước và việc họ thờ ơ hoặc quay lưng với hàng hoá Việt là điều hoàn toàn dễ hiễu.

Để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất Việt, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng nhằm ngăn chặn không cho tình trạng hàng nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ, kém chất lượng... tung hoành trên thị trường. Có như vậy, bao công sức, chi phí dành để thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới không bị uổng phí.

Thiên Hương

Chuyên mục khác