15/05/2018 07:05
Hiện giá mì được các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh thu mua vào khoảng 3.000 đồng/kg (mì đạt 30% độ bột), tăng hơn gấp 2 lần so cùng thời điểm này năm trước. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Với mức giá này, người trồng mì có lãi khá, bình quân trên 30 triệu đồng/ha.
|
Sở dĩ giá mì nguyên liệu tăng cao là do hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thuận lợi kéo giá tinh bột sắn tăng cao hơn so với mọi năm. Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2018, xăng sinh học E5 chính thức được đưa vào lưu hành trên toàn quốc thay thế xăng Ron 92, mà một trong những nguyên liệu dùng để phối trộn tạo ra xăng E5 là cồn ethanol được sản xuất từ củ mì; điều này đã góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ, đẩy giá mì lên cao.
Mì được giá, người dân có thu nhập để trang trải cuộc sống. Đặc biệt, với những hộ nghèo mì là cây trồng mang lại nguồn thu chính thì việc được giá khiến họ không thể vui hơn.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng liệu mức giá này có thực sự ổn định và duy trì được lâu dài hay không, bởi người nông dân làm ra sản phẩm nhưng họ không quyết định được giá bán mà luôn phải phụ thuộc vào thị trường.
Thực tế thời gian qua cho thấy, giá mì luôn lên xuống thất thường, có thời điểm giá mì lên đến 3.000 – 3.500 đồng/kg, nhưng sau đó lại rớt xuống không phanh xuống còn 1.100 – 1.200 đồng/kg đã đẩy nhiều nông dân, nhất là những người nghèo lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.
Mì là loại cây trồng không được ngành Nông nghiệp và các địa phương khuyến khích. Nhưng khách quan mà nói, đây vẫn là cây trồng chính của người nghèo, phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số và là nguồn thu nhập quan trọng của phần đông nông dân.
Giá mì tăng cao khiến nông dân phấn khởi, nhưng lại tiềm ần nguy cơ diện tích trồng mì tăng nóng ở vụ tới này, phá vỡ quy hoạch cũng như cơ cấu cây trồng ở nhiều nơi. Nhất là, việc giá mì ở mức cao lại rơi đúng vào thời điểm người dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung xuống giống trồng vụ mới nên càng đứng trước nguy cơ khó kiểm soát. Bởi tâm lý của đa phần nông dân là cứ thấy giá cả loại nông sản nào lên cao là đổ xô đi trồng. Một khi diện tích trồng mì tăng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả, đầu ra của sản phẩm vì nguồn cung dư thừa sẽ kéo giá xuống thấp, thu nhập không đảm bảo và rồi cuối cùng người nông dân lại rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng rồi chặt, chặt rồi lại trồng”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 nhà máy chế biến tinh bột sắn. Nhưng các nhà máy hầu như chưa xây dựng được vùng nguyên liệu và chưa ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân nên việc tiêu thụ sản phẩm rất thất thường.
Chưa nói, mì là loại cây trồng phá đất, nếu canh tác liên tục trong thời gian dài sẽ làm đất bạc màu, thoái hoá, sau này người nông dân muốn bỏ cây mì để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác cũng rất khó khăn.
Bên cạnh đó, với các cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương, bên cạnh nỗi lo khó kiểm soát diện tích cây mì vào vụ tới, còn thêm nỗi lo người dân sẽ phá rừng, lấn chiếm đất rừng để mở rộng đất trồng mì.
Giá mì tăng cao đúng là mừng nhiều nhưng lo cũng nhiều. Do đó, để cây mì phát triển ổn định, tránh tình trạng người dân thấy lợi trước mắt đổ xô trồng vừa phá vỡ hệ thống cây trồng vừa có thể gặp bất trắc khi giá cả xuống thấp, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng và có hướng phát tiển cho hợp lý. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần khuyến khích nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng mì, giúp nông dân tăng thu nhập mà không phá vỡ diện tích.
Ngọc Thắng