16/02/2023 13:07
Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong năm 2022, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, khối lượng, diện tích). Theo đó, số vụ vi phạm giảm 115 vụ (giảm 57,2%), diện tích thiệt hại giảm 41,983ha (giảm 56,7%), khối lượng gỗ vi phạm giảm 11,291m3 gỗ (giảm 2,6%). Đặc biệt, trong năm 2022, toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào.
Bước sang tháng 1/2023, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và chủ rừng phát hiện 6 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; khối lượng vi phạm 1,51m3 gỗ; diện tích thiệt hại 0,066ha rừng.
So với tháng 1/2022, khối lượng gỗ vi phạm và diện tích rừng thiệt hại giảm mạnh (giảm 8,185m3 gỗ, tương ứng 84%; giảm 1,370ha rừng, tương ứng 95%).
Những số liệu về tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp năm 2022 và tháng 1/2023 do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố làm tôi vừa mừng vừa lo.
Mừng vì công tác đảm bảo chấp hành pháp luật về Lâm nghiệp được triển khai quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị, địa phương đã thường xuyên rà soát, xác định, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, mặt khác đã chỉ đạo mở các đợt cao điểm ra quân tuần tra, truy quét bảo vệ rừng (vào các dịp lễ, tết...).
Số liệu mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê được là đã có 618 đợt tuần tra truy quét được tổ chức, qua đó đã phát hiện, ngăn chặn, khống chế và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và 3 điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Thường xuyên rà soát, nắm chắc thông tin các đối tượng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, kiểm tra, xác minh và xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Mừng vì cuộc chiến bảo vệ rừng diễn ra quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy, chính quyền đến ngành chức năng, các chủ rừng và người dân.
|
Thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường. Chính quyền, ngành chức năng và các chủ rừng thường xuyên mở các đợt cao điểm tuần tra, truy quét xóa bỏ các tụ điểm mua bán, vận chuyển lâm sản và phá rừng trái phép trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân buông lỏng công tác quản lý để tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp diễn biến phức tạp trên địa bàn quản lý.
Mừng nữa là, các vụ việc vi phạm được khẩn trương điều tra, nhanh chóng đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội, mang tính răn đe cao. Có thể nói, năm 2022 là năm có nhiều vụ án liên quan đến rừng, lâm sản được ra xét xử nhất.
Đơn cử như Tòa án nhân dân huyện Kon Plông đã tổ chức 4 phiên tòa lưu động xét xử các vụ án hình sự về tội “hủy hoại rừng” và “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Về xử lý trách nhiệm, đã xử lý kỷ luật 27 trường hợp, trong đó có 16 trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo.
Điều khiến tôi lo là số vụ vi phạm giảm, nhưng quy mô một số vụ phá rừng lại lớn.
Trong đó có thể kể đến vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại Tiểu khu 708 và 709 lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai quản lý với khối lượng thiệt hại 69,502m3 gỗ tròn các loại.
Hay vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại Tiểu khu 692 lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sa Thầy quản lý với khối lượng thiệt hại 147,066m3 gỗ tròn các loại.
Qua đánh giá, ngoài các nguyên nhân khách quan thì các nguyên nhân chủ quan chính được xác định là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác bảo vệ rừng chưa cao, còn có tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Chính sách lĩnh vực lâm nghiệp còn nhiều bất cập, năng lực quản lý của một số chủ rừng còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa tốt; chế độ chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng còn hạn chế dẫn đến tình trạng cán bộ bỏ việc, thôi việc, chuyển công tác xảy ra gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Có thể thấy, dù đã có những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng đây vẫn là lĩnh vực phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm nóng. Để đảm bảo tính bền vững, các cấp, các ngành và chủ rừng cần nghiên cứu giải pháp căn cơ để ngăn chặn, hạn chế thấp nhất và tiến tới dừng hẳn tình trạng các đối tượng phá rừng trái phép. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các dự án có giao rừng, cho thuê rừng nhưng không thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng để đề xuất cấp thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.
Kiện toàn, củng cố nhân sự lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng thuộc tỉnh đủ mạnh, đảm bảo chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác, tư tưởng chính trị để nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt thông tin, rà soát, xác định và xử lý các điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn; tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét đột xuất và thường xuyên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ vi phạm, không để tồn đọng, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đồng thời nâng cao tính răn đe trong cộng đồng.
Hồng Lam