29/01/2017 07:59
Rừng cây, đời người
Huyện Kon Plông bốn bề núi non trùng điệp, cuối năm tiết trời nơi đây càng thêm lạnh giá, cái rét tê tái như cứa vào da thịt. Theo chân những cán bộ kiểm lâm đi tuần tra được vài vạt rừng, hai chân tôi đã không nhấc nổi, mồ hôi ướt hết lưng áo.
Vượt qua con dốc cao chạm cằm, chúng tôi nghỉ chân một chút giữa rừng. Anh Nguyễn Quang Bình - Kiểm lâm địa bàn xã Đăk Ring kể: Tôi gắn bó với nghề giữ rừng này đến nay cũng ngót 25 năm rồi, nếu nói đã thuộc lòng từng vạt rừng, từng con dốc, từng con suối khắp hai huyện Kon Plông, Kon Rẫy cũng chẳng ngoa.
Anh Bình tâm sự: Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi tôi mới lên nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng ở khu vực xã Pờ Ê, thiếu thốn đủ bề, bốn bề nhìn ra chỉ có rừng, có lúc chỉ mong được gặp một người khách cho đỡ cô quạnh. Bây giờ thông tin liên lạc, đường xá đi lại thuận tiện hơn, song công việc giữ rừng lại vất vả, gian nan hơn bởi lâm tặc hoạt động ngày càng mạnh, tình trạng người dân phá rừng làm rẫy cũng nhiều hơn.
“Công việc của một kiểm lâm địa bàn chủ yếu là nắm tình hình, tham mưu UBND xã và tham gia tuần tra, truy quét ngăn chặn vi phạm lâm luật. Nói thì đơn giản vậy, nhưng để bảo vệ được từng khoảnh rừng là cả một cuộc chiến đầy cam go và không ít nguy hiểm đấy nhà báo ạ!” - anh Bình chia sẻ.
Tôi hỏi: Ngày thường thì là vậy, nhưng đến tết thì sao? “Kiểm lâm thì làm gì có nghỉ tết, vào tết công việc còn vất vả hơn. Đón tết trong rừng đã trở thành lệ thường của những kiểm lâm lâu năm như mình. Nói thật, mỗi khi đến tết cũng chạnh lòng lắm, giữa lúc mọi nhà đều quây quần ấm áp không khí đón năm mới, những đêm lạnh ngủ giữa rừng già, giữa chốt, trạm, khó có thể tránh khỏi những bùi ngùi, tủi thân. Nhưng nếu xa rừng vài ngày thì lại nhớ vô cùng…” – anh Bình cười trải lòng.
Anh Nguyễn Cảnh Vỹ (Hạt Kiểm lâm Sa Thầy) cũng là một kiểm lâm viên gạo cội. 50 tuổi, nhưng anh đã có thâm niên 30 năm làm nghề giữ rừng. Đi hết từ Đăk Glei về Ngọc Hồi rồi đến Sa Thầy, bao nhiêu năm làm nghề là từng ấy cái tết anh dành phần lớn thời gian ở rừng.
Anh Vỹ bộc bạch: Ngày tết, anh em phải chia ca nhau ra để tuần tra, kiểm soát. Cũng có đôi lúc anh em kiểm lâm bọn mình không khỏi thấy nao nao, chạnh lòng, nhớ nhà da diết, nhất là lúc kề giao thừa. Nhưng rồi cảm giác này cũng qua nhanh, lại nhường cho quyết tâm công việc.
Suốt ngày ăn ngủ với cây, với rừng, chắc các anh nhớ vợ con lắm?- tôi nửa đùa, nửa thật. “Có chứ! Nhưng giờ có chiếc điện thoại, nhớ gia đình chỉ cần gọi điện hỏi thăm, nghe giọng nói của vợ con là mình ấm lòng và yên tâm rồi. Còn những cây gỗ quý thì khác, nếu không ăn ngủ với nó thì dễ bị mất lắm. Gắn bó nhiều năm với cây, với rừng, hôm nào không đi lại thấy nhớ rừng, dù khó khăn đến mấy tôi cùng các đồng nghiệp cũng sẽ nỗ lực hết sức mình để bảo vệ rừng”- anh nói thêm.
Bên cạnh những cán bộ kiểm lâm, còn có những cán bộ, nhân viên của các đơn vị chủ rừng - họ cũng là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng.
Anh Lê Phúc Lý – Giám đốc Lâm trường Sa Thầy (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy) cho biết: Nếu nói về những khó khăn, vất vả của anh em chúng tôi thì là cả một câu chuyện dài, nhưng chỉ cần có tình yêu với rừng thì sẽ vượt qua thôi. 15 năm vào nghề, gần như năm nào tôi cũng ăn tết trong rừng sâu. Nếu nói không buồn là dối lòng, nhưng phần vì nhiệm vụ, phần vì lỡ đắm say hương vị núi rừng, lỡ mê mẩn màu xanh cây lá nên không thể và cũng không muốn xa.
|
Khu vực rừng của Lâm trường Sa Thầy quản lý xa tít tắp, thỉnh thoảng mới gặp một vài người đi làm rẫy qua, bốn bề chỉ có tiếng gió thổi, vượn hót, chim kêu dưới những tán rừng bạt ngàn, sâu hút. Cuộc sống của những cán bộ, nhân viên nơi đây vẫn còn thiếu thốn đủ thứ. Gần một năm nay, cả lâm trường mới có 1 trạm được lắp pin năng lượng để có điện sinh hoạt, nhưng điện thoại thì vẫn chưa có sóng, mọi sự liên hệ với bên ngoài đều bằng “vô tuyến truyền miệng”.
Có thể nói, ngày thường hay ngày tết thì những người giữ rừng vẫn âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ khắc phục khó khăn, quyết tâm bám rừng, bảo vệ màu xanh cho sự sống.
Mùa tết - mùa cao điểm giữ rừng
Với những cán bộ kiểm lâm và những người làm nhiệm vụ giữ rừng, mùa tết cũng là thời gian cao điểm của công tác đấu tranh, ngăn chặn phá rừng và trực phòng chống cháy rừng. Bởi đây là cao điểm của mùa khô, cộng với việc các đối tượng xấu thường lợi dụng những ngày tết để thực hiện các hành vi vi phạm lâm luật.
Anh Vũ Tuấn Hải chia sẻ: Ở Kon Plông, công tác tuần tra bảo vệ rừng dịp tết được chúng tôi triển khai từ tháng 12 âm lịch. Trong những ngày tết, toàn bộ lực lượng luôn trong tình trạng sẵn sàng tham gia ứng phó tình huống khẩn cấp. Vẫn biết như thế là thiệt thòi cho anh em, nhưng công việc đòi hỏi phải vậy.
Đơn giản nhất, ví như thấy cột khói bay lên là anh em lập tức xác định vị trí, xử lý kịp thời. Có lúc giữa đêm khuya, phát hiện sự cố cũng bật dậy lao đi. Còn nhớ, có lần vào đúng tết, một ngày chúng tôi phải chữa cháy tới 7 lần ngay khu vực xã Đăk Long, Măng Cành. Anh em vừa đi kiểm tra, dập lửa về đến cơ quan, chưa kịp vào nhà thì nghe thông tin có cháy lại quay xe, tức tốc lên đường. Đa phần là do người dân địa phương đốt rẫy để lan sang khu vực rừng lân cận, nhưng nếu không dập kịp thì hậu quả khó lường bởi diện tích rừng thông trên địa bàn rất lớn.
Sa Thầy cũng là một trong những địa phương mà công tác bảo vệ rừng rất khó khăn, phức tạp. Rừng rộng, lâm tặc luôn nhòm ngó, kiểm lâm lại mỏng nên những người làm nhiệm vụ gác rừng luôn rất vất vả. Chỉ cần lơ đễnh một chút, những đối tượng phá rừng sẽ lợi dụng ngay.
Hạt phó Hạt Kiểm lâm Sa Thầy - Lê Văn Thoan cho biết: Toàn hạt có 22 cán bộ, nhân viên kiểm lâm có nhiệm vụ bảo vệ 88.000ha rừng. Nhiều cánh rừng tự nhiên có nguy cơ bị xâm hại, bởi nhu cầu sử dụng lâm sản ngày càng cao, giá trị và lợi nhuận của những loài gỗ quý, cộng với đời sống của một bộ phận người dân sống gần rừng, ven rừng còn gặp nhiều khó khăn, nên một số người cũng luôn tìm cách vào rừng khai thác gỗ, phá rừng làm rẫy... Do đó, vào dịp tết, chúng tôi phải tổ chức lực lượng trực 24/24h và chốt chặn ở những điểm nóng xảy ra hiện tượng phá rừng. Tuy nhiên, các đối tượng phá rừng ngày càng tinh vi và manh động, nên việc thực thi nhiệm vụ của kiểm lâm khó khăn và nguy hiểm.
Anh Nguyễn Cảnh Vỹ còn bật mí thêm: Lâm tặc không chỉ hung hăng, liều lĩnh sẵn sàng dùng vũ khí chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy đuổi; mà sau đó chúng còn gửi cả thông tin đe doạ, uy hiếp. Nhưng đã làm nghề này sao tránh khỏi chuyện phải đối mặt với hiểm nguy.
Còn nhớ tết năm 2010, vào đúng ngày mùng Một, nghe thông tin nhiều hộ dân làng Típ (xã Ia Kreng, huyện Chư Pảh) sang phá rừng để làm rẫy, đơn vị đã báo động toàn anh em phối hợp cùng với lực lượng kiểm lâm, dân quân xã Ya Tăng xuống ngăn chặn, tuyên truyền, vận động bà con. Rồi sau đó, suốt mấy ngày tết anh em phải thay nhau canh gác, vận động để bà con hiểu quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và tự giác rút lui.
Gian khổ lẫn hiểm nguy là vậy, nhưng bảo vệ được màu xanh của đại ngàn là niềm vui chung của hầu hết những người giữ rừng.
Không khí ngày xuân đang lan tỏa nơi nơi. Nói về công việc của những người giữ rừng, tôi chợt nhớ đến mấy câu hát trong bài “Một đời người, một rừng cây”: Khi nghĩ về một đời người/Tôi thường nhớ về rừng cây/Khi nghĩ về một rừng cây/Tôi thường nhớ về nhiều người/...Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/Gian khổ biết dành phần ai...
Trong sự bình yên, ấm áp của ngày xuân có sự cống hiến thầm lặng của nhiều lực lượng, trong đó có những người gác rừng.
Thuỳ Hương