Mua sắm trực tuyến - Hiện đại nhưng cũng lắm rủi ro

29/05/2017 17:57

​Trong thời buổi thương mại điện tử ngày càng phát triển, hình thức mua hàng trực tuyến dần trở nên phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đi kèm với sự hiện đại, hình thức mua sắm này đang tiềm ẩn không ít những rủi ro.

Xu hướng mua sắm hiện đại

Mấy năm gần đây, người tiêu dùng đã từng bước tiếp cận và dần quen với việc mua sắm trực tuyến tại các địa chỉ bán hàng trên internet. Chỉ cần một cái click chuột hoặc một cuộc điện thoại là mọi người có thể mua sắm bất kỳ sản phẩm, món hàng nào mình cần mà không phải đi đến cửa hàng. Các đơn vị bán hàng, cơ sở kinh doanh ngày càng tận dụng, khai thác mạnh mẽ hình thức mua bán này để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Một số hình ảnh sản phẩm được quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử Kon Tum. Ảnh: T.H

 

Phải công nhận rằng, mua sắm trực tuyến có nhiều tiện ích. Tiết kiệm thời gian có lẽ là một trong những yếu tố đầu tiên khiến người tiêu dùng chọn phương thức mua sắm này, nhất là đối với những người có quỹ thời gian eo hẹp bởi người tiêu dùng không phải đến tận các cửa hàng mà vẫn có thể xem và chọn lựa được những món hàng mình cần. Các sàn thương mại điện tử ngày càng cung cấp nhiều loại hàng hoá rất đa dạng từ các mặt hàng quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử, đồ chơi, đến mỹ phẩm... Hình thức thanh toán cũng vô cùng linh hoạt, phong phú như thanh toán qua tài khoản, thanh toán khi nhận hàng cho phép người tiêu dùng mua sắm online một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện. Bên cạnh đó, hầu hết các sàn giao dịch thương mại điện tử cho phép khách hàng đánh giá sản phẩm sau khi mua, vì thế người tiêu dùng có thể tham khảo, tìm hiểu về sản phẩm một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định mua.

Là một tín đồ mua sắm online, Trần Thị Thảo (tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Mua hàng trên mạng rất tiện, nhất là vào những dịp lễ như Giáng sinh, Valentine, Tết... em thường băn khoăn không biết chọn quà gì cho người thân và gia đình, chỉ cần lướt qua mấy trang web là muôn vàn gợi ý, thoải mái lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và túi tiền.

Cũng là một tín đồ mua sắm trên internet, chị Dương Nương (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) công nhận đi chợ “mạng” rất tiện lợi từ đồ chơi cho con, quần áo, giày dép, đến mỹ phẩm... tất tần tật đều có thể mua ở trên mạng, thoải mái lựa chọn, tham khảo giá cả. Đặc biệt, có nhiều mặt hàng ở Kon Tum rất khó kiếm thì lên mạng tìm là có hết và được mang đến tận nhà.

Ngoài mua sắm tại các trang web bán hàng chuyên nghiệp, kênh bán hàng qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo cũng ngày càng được nhiều người buôn bán, kinh doanh tận dụng để tiếp thị hàng hoá và khách hàng cũng rất dễ dàng tìm kiếm, mua sắm được nhiều mặt hàng qua đây.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện dụng thì mua sắm online cũng còn nhiều mặt trái và thiệt thòi thường rơi về phía người tiêu dùng. Bởi bên cạnh những trang bán hàng uy tín thì vẫn còn không ít cá nhân, tổ chức đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng và kẽ hở trong quản lý của các cơ quan chức năng để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. 

Rủi ro nhiều nhất là người tiêu dùng không được xem trực tiếp sản phẩm mà chỉ có thể nhìn hình ảnh qua màn hình máy tính, điện thoại. Chính vì thế mà nhiều người từng dở khóc dở cười khi hình ảnh quảng cáo một đằng, sản phẩm nhận về một nẻo, khác xa với trên trang web, thậm chí là khách hàng đặt hàng mua sản phẩm tốt, cao cấp, nhưng đến khi nhận được hàng lại là hàng các sản phẩm nhái, kém chất lượng. Khách hàng nhận thấy sự khác biệt thì chuyện cũng đã rồi, khó có thể trả lại được bởi các đơn vị bán hàng luôn tìm mọi cách để từ chối việc đổi trả.

Mỗi lúc rảnh rỗi, tôi cũng thích lang thang vào các trang web mua sắm online để xem và thỉnh thoảng cũng đặt mua hàng. Không thể phủ nhận được cách thức mua sắm này rất tiện lợi và không ít lần tôi cũng đã mua được những món hàng rất ưng ý, tuy nhiên, cũng có một số lần nhận hàng xong vô cùng thất vọng, thậm chí còn cảm thấy bực mình vì sản phẩm không như mong muốn, quá khác so với quảng cáo.

Chuyện thổi phồng giá sau đó lại tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá để câu khách, đánh lừa khách hàng hiện nay cũng khá phổ biến trên các trang web mua sắm trực tuyến.

Theo bạn Trần Thị Thảo, mua hàng trên mạng nhiều khi cũng là may rủi, có lúc mua được hàng tốt, giá cả phải chăng, nhưng cũng có bị hớ vì quá tin vào khuyến mãi. Ví như hôm trước, mình đặt mua một chiếc túi, thấy giá niêm yết trên trang mình hay mua là 350.000 đồng, Shop khuyến mãi giảm 30%, tức là còn khoảng 245.000 đồng cho những khách hàng mua sắm trong ngày hôm đó, mình liền lật đật đặt hàng sợ hết khuyến mãi. Nhưng ai ngờ, hôm sau có thời gian mình vào một trang web khác so sánh thấy giá cũng chỉ có 250.000 mới ngã ngửa ra là mình bị lừa, làm gì có khuyến mãi mà giá thực chỉ có chừng đó.

Bên cạnh đó, vấn đề giao hàng chậm; không chịu giao hàng khi người mua đã thanh toán qua tài khoản, giao thiếu hàng khuyến mãi; giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại… cũng thường xảy ra khi mua hàng trực tuyến. Cùng với đó là việc đăng sai giá; hủy đơn hàng không lý do; sản phẩm không nhãn mác. Đó là chưa kể một số ít trang lừa đảo đội lốt bán hàng qua mạng. Chiêu trò của các trang này là đăng thông tin quảng cáo với đầy đủ thông tin, địa chỉ, số điện thoại... như các trang khác, nhưng đến khi có khách vào mua hàng thì yêu cầu gửi tiền trước rồi sau đó “bốc hơi” luôn, không hề gửi hàng như thỏa thuận và tìm cách chặn luôn số của khách hàng.

Bởi còn nhiều rủi ro nên thương mại điện tử chưa thực sự tạo được lòng tin với người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ có người mua mới bị thiệt thòi mà ngay cả bên bán và nhân viên giao hàng online cũng gặp không ít rắc rối với khách hàng. Đó là những trường hợp, người mua đặt hàng xong rồi khi nhân viên mang hàng đến giao thì không có ở nhà, không liên lạc được, chưa chuẩn bị tiền để nhận hàng, thậm chí là đổi ý không muốn nhận hàng. Khi đó, người giao hàng sẽ không được tiền công thu hộ, còn bên bán thì mất phí gửi cũng như công đi gửi, nhận lại hàng.

Mua sắm online là hình thức mua sắm hiện đại, tuy nhiên, để việc mua sắm này thực sự trở thành tiện lợi, hữu ích với người tiêu dùng thì việc nâng cao độ tin cậy của các trang bán hàng và tăng cường công tác quản lý là điều cần thiết. Bên cạnh đó, mỗi khách hàng của mua sắm trực tuyến hãy là người tiêu dùng thông minh, nên chọn mua hàng ở những trang web uy tín, chính thống, cân nhắc kỹ càng trước khi mua bất kỳ một sản phẩm nào để tránh những rủi ro, rắc rối về sau.

Thiên Hương 

Chuyên mục khác