29/11/2017 07:09
Khảo sát các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh, phóng viên ghi nhận, lượng hàng hóa trên thị trường bắt đầu tăng về số lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như quần áo, hàng tiêu dùng, thực phẩm...Các doanh nghiệp, nhà phân phối; các cơ sở bán buôn, bán lẻ cũng đã có kế hoạch nhập và dự trữ hàng tết. Đây cũng là thời điểm các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu rất dễ tuồn vào thị trường và các gian thương sẽ tung ra để bán cho người tiêu dùng. Đặc biệt, ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân chưa cao, kiến thức tiêu dùng hạn chế, người dân vẫn có tâm lý mua hàng giá rẻ; các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thường được những đối tượng làm ăn bất chính đưa về đây tiêu thụ, gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như sức khỏe của người dân.
Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, mặt hàng các gian thương buôn lậu chủ yếu là rượu ngoại, thuốc lá ngoại, quần áo, mỹ phẩm, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, thực phẩm tươi sống...Các đối tượng thường lợi dụng các phương tiện vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24 đoạn qua tỉnh Kon Tum và các tuyến tỉnh lộ để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu đến các bến, bãi tập kết, lên xuống hàng hóa, sau đó phân lẻ, dùng xe gắn máy, xe tải nhẹ vận chuyển, phân phối, tiêu thụ tại địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa không có nhãn mác hoặc có nhãn mác, lô gô giống với sản phẩm khác cùng loại gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; kinh doanh hàng hóa có chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn đã công bố; đầu cơ găm hàng ép giá...cũng thường gia tăng mạnh vào dịp cuối năm và tết.
|
Ông Phan Thanh Sơn – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Để đối phó với tình hình phức tạp này; Chi cục Quản lý thị trường đã có kế hoạch chủ động trong công tác dự báo tình hình thị trường về diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm, kịp thời có giải pháp xử lý. Theo đó, Chi cục sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng có sức tiêu thụ cao như bia, rượu, nước giải khát; tập trung chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu; an toàn thực phẩm... Lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, siêu thị; các cơ sở bán buôn, bán lẻ; các tuyến trọng điểm để bắt giữ, xử lý có hiệu quả các điểm tập kết hàng lậu tại các địa bàn giáp ranh, tuyến quốc lộ; kiểm soát thường xuyên tại khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới...
Cùng với nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm; công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách, pháp luật trong hoạt động thương mại đến các cơ sở kinh doanh; tổ chức cho các cơ sở kinh doanh thực hiện việc ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không bảo đảm chất lượng, nhất là ở vùng nông thôn cũng được Chi cục Quản lý thị trường chú trọng.
Song song với các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; Sở Công thương còn triển khai thực hiện các giải pháp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, đẩy mạnh hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn nhằm hạn chế tối đa tình trạng khan hiếm hàng hoá; tiểu thương đầu cơ găm hàng ép giá người dân.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh; mua bán hàng hoá mùa cuối năm và tết luôn rất sôi động, thường có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng; cùng với sự nỗ lực của lực lượng quản lý thị trường, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành chức năng và người dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại...
Thiên Hương