Mùa “canh lửa, giữ rừng”

26/03/2020 13:01

Bước vào cao điểm mùa hanh khô, nắng nóng gay gắt kéo dài, các cánh rừng trên địa bàn huyện Sa Thầy luôn ở mức cảnh báo cháy rừng cấp 5-cấp cực kỳ nguy hiểm. Đây cũng là khoảng thời gian những người thực hiện nhiệm vụ “canh lửa, giữ rừng” phải vất vả, lo lắng và phải tập trung cao độ nhất để giữ “bình yên cho những cánh rừng”.

Toàn huyện Sa Thầy có khoảng 158.000ha đất có rừng, trong đó có khoảng 2.800ha rừng trồng, rừng tự nhiên xen kẽ với rẫy của dân nên rất dễ xảy ra cháy rừng. Để bảo vệ các cánh rừng, ngay từ đầu mùa khô, phương án phòng cháy, chữa cháy đã được UBND huyện, các địa phương và các đơn vị chủ rừng xây dựng và nghiêm túc thực hiện. 

Theo đó, có 66km đường băng cản lửa được tu sửa, làm mới, 29 bể chứa nước được sửa sang; các phương tiện, thiết bị chữa cháy như máy phát điện, máy bơm cao áp, bình xịt chữa cháy và các loại dụng cụ thủ công được bổ sung, thay mới, sửa chữa để sẵn sàng huy động khi cần; các hộ nhận khoán, các chủ rừng cũng thực hiện phát, đốt trước các vật liệu dễ cháy...

Thế nhưng, trước những diễn biến cực đoan của thời tiết cùng với người dân vào mùa đốt rẫy, vào rừng lấy mật ong, nhiệm vụ canh “giặc lửa” để giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng càng trở nên cấp thiết và nặng nề đối với những người giữ rừng.

Anh Huỳnh Công Tuy - kiểm lâm viên địa bàn xã Hơ Moong và Sa Bình (Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy) cho biết: So với nhiều anh em, có thể nói tôi là người may mắn, vì được giữ rừng ở địa bàn thuận lợi. Thế nhưng, việc phụ trách gần 1.000ha rừng với nhiều điểm dễ xảy ra cháy, bản thân tôi đã thấy công việc rất nặng nề, vất vả. Mặc dù đầu mùa khô, UBND các xã đều tiến hành xây dựng, ban hành phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; nhưng thực tế luôn thay đổi nên tôi luôn ý thức rằng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

“Suốt 2 tháng nay, tôi gần như không có một ngày nào nghỉ ngơi, chạy như con thoi, hết địa bàn này lại qua địa bàn kia, để nắm tình hình cụ thể. Trên cơ sở đó, tôi tham mưu UBND các xã có phương án, kế hoạch phòng, chống cháy rừng và phân công các lực lượng cho phù hợp với từng thời điểm” - anh Huỳnh Công Tuy chia sẻ.

Lực lượng bảo vệ rừng trao đổi về vị trí, công việc trong buổi tuần tra trong rừng. Ảnh: TH

 

Cũng như anh Huỳnh Công Tuy, trong thời gian này, cán bộ quản lý, nhân viên, kiểm lâm viên luôn bám sát các địa bàn, có mặt ở các chốt để nắm chắc tình hình, phối hợp cùng với các lực lượng chức năng địa phương, các chủ rừng kiểm soát việc vào rừng, sử dụng lửa của người dân và phát hiện sớm các đám cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài nguyên rừng. 

Theo chân các nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Ba RGốc (thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray) vào rừng một chuyến, tôi mới thấm nỗi vất vả, cực nhọc của những người “gác rừng”.

Các anh phải theo lối mòn, vạch rừng đi, vừa đi vừa quan sát. Theo các anh đi chưa được bao lâu, hai chân của tôi có cảm giác như không nhấc nổi, đầy mình mồ hôi nhễ nhại. Thấy tôi đứng lại thở dốc, Trạm trưởng  Lê Văn Nghĩa  túm tay tôi kéo đi và giải thích: “Đây chỉ là đi tuần nên nhàn đấy, chứ lúc cháy rừng, thì mọi việc “kinh khủng” lắm. Vả lại, có chị nên bọn em chỉ chọn khu vực dễ đi, ít dốc, đi chậm lại, chứ nhiều địa bàn khó khăn, dốc cao lắm. Người ngoài chỉ nhìn thôi cũng thấy ngán, chẳng dám đi; nhưng ngược lại, lực lượng bảo vệ rừng chúng em thì không được phép bỏ sót một điểm nào.

Quá trưa, cả đoàn mới dừng chân, mở phần cơm mang theo từ sáng đã nguội ngắt ra ăn. Anh Lê Văn Nghĩa chia sẻ: Sáng sớm, anh em dậy nấu nướng rồi “cơm đùm, cơm nắm” theo địa bàn đã được phân chia kết hợp với bà con trong làng lên đường vào rừng. Khu vực nào gần thì đi 1 ngày, xa thì đi 2-3 ngày. Đi dài ngày thì phải khoác võng, nồi niêu, nước uống, lương khô...

Hơn 100 cán bộ, nhân viên của Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray hiện đang phải quản lý 56.200ha rừng. Phòng cháy, chữa cháy rừng trong điều kiện thời tiết bình thường vốn đã nhiều khó khăn, vất vả; khi nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao, công việc này còn gian nan, phức tạp gấp nhiều lần. Cùng với việc tuần tra, kiểm soát, lực lượng bảo vệ rừng của 14 trạm quản lý bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray còn cắt cử nhau túc trực 24/24 giờ trên chòi canh lửa quan sát các động tĩnh trong rừng.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng được chuẩn bị chu đáo ngay từ đầu mùa khô với đầy đủ phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, để bảo vệ “lá phổi xanh” này, biện pháp quan trọng nhất là phòng cháy. Vì thế mà thời gian này, hầu như toàn bộ lực lượng của đơn vị đều xuống làm nhiệm vụ ở 14 trạm và 20 chốt chặn, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân tổ chức tuần tra, canh gác nhằm phát hiện, xử lý kịp thời mọi tình huống phát sinh trong thực tế. Chúng tôi xác định muốn “giữ” rừng thì phải dựa vào dân, vì vậy anh em luôn chú trọng tuyên truyền các hộ nhận khoán, cộng đồng chủ động, tự giác thực hiện các quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy, chung tay bảo vệ “canh lửa, giữ rừng” - ông Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Thời tiết khô hanh, thảm thực bì dày trở thành những “mồi lửa” dễ gây cháy rừng. Công việc của những người làm nhiệm vụ “canh lửa” giữ rừng trên địa bàn huyện Sa Thầy cũng như nhiều địa phương trong tỉnh càng gian nan, vất vả hơn.                  

Thùy Hương

Chuyên mục khác