30/05/2018 19:27
Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi theo chân một cán bộ tín dụng của Agribank Kon Tum về xã Hơ Moong, một trong những xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Sa Thầy. “Ngân hàng” đến rồi! Tiếng reo vui của bà con xã Hơ Moong vang lên trên vùng tái định cư của lòng hồ thủy điện Plei Krông. Xe dừng bánh, những cán bộ ngân hàng nhanh chóng triển khai hệ thống giao dịch, đấu nối đường truyền..., còn người dân hồ hởi chuẩn bị hồ sơ vay, hay trả nợ ngân hàng theo lịch hẹn.
Chị Y Tăn, ở thôn Đăk Do nói như reo vui: “Ngân hàng xuống với dân làng chúng tôi làm chúng tôi vui lắm, trước kia muốn đến với ngân hàng chúng tôi phải mất cả ngày đấy, giờ thì chỉ mất có 10 phút từ thôn ra xã thôi. Chúng tôi đến đây không chỉ vay, trả nợ ngân hàng mà còn đến để học hỏi mô hình kinh tế mới, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Việc đưa điểm giao dịch lưu động về xã đã khiến người dân tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn”.
|
Còn chị Hà Thị Mừng, ở thôn Tân Sang có số nợ vay ở ngân hàng này lên đến 750 triệu đồng. Nhưng đối với chị số tiền vay này không lớn, hiện tại gia đình chị có 8.000 cây cà phê và 800 cây cao su đã đưa vào kinh doanh, thu về mỗi năm trên 250 triệu đồng. Nhờ nguồn vồn vay từ Agribank Kon Tum vào năm 2007, với 2,9 ha cà phê ban đầu, đến nay gia đình chị có tổng cộng 16 ha cây cà phê và cây cao su, là một trong những gia đình làm ăn có hiệu quả ở xã Hơ Moong.
Ông Mai Nhữ Nam- Chủ tịch UBND xã Hơ Moong cho biết, từ khi Agribank Kon Tum triển khai mô hình này ở xã vào đầu năm 2018, đến nay đã có hơn 200 hộ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với loại hình giao dịch này. Hiện nay, dư nợ của hộ dân trong xã với Agribank Kon Tum gần 40 tỷ đồng. Cũng nhờ có nguồn vốn ngân hàng mà diện tích cây dài ngày của xã tăng cao như cây cà phê gần 1.000 ha, cây cao su 680 ha, ngay trong các tháng đầu mùa mưa năm nay, các thôn đã trồng mới trên 300 ha cà phê. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã gần 60% năm 2016 đã giảm còn 47,8% vào cuối năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo trong hai năm gần đây mỗi năm giảm trên 15%.
Nói về tính an toàn của các điểm giao dịch lưu động, ông Phạm Đình Phước- Phó Giám đốc Agribank Kon Tum chia sẻ, trên xe ô tô giao dịch lưu động được lắp đặt thiết bị giám sát và quản lý phương tiện ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS cùng với hệ thống camera giám sát giao dịch kết hợp công nghệ truyền dữ liệu. Các thiết bị này sẽ cung cấp tính năng định vị và theo dõi, do đó toàn bộ thông tin hành trình của phương tiện và hoạt động giao dịch sẽ được truyền về trung tâm điều hành để giám sát và quản lý. Với nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, Agribank đảm bảo an toàn bảo mật thông tin tuyệt đối cho khách hàng. Tại điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, khách hàng có thể trực tiếp sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng như tại trụ sở giao dịch bao gồm: gửi tiền, rút tiền, nhận nợ tiền vay, trả nợ gốc, lãi tiền vay, sử dụng các sản phẩm dịch vụ... và được hạch toán trực tiếp thông qua hệ thống kết nối Internet. Quy trình hoạt động của điểm giao dịch lưu động được xây dựng quy định rất chi tiết, qua các khâu nghiêm ngặt. Việc triển khai thành công điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng sẽ đem đến cơ hội cho người dân được tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng hiện đại một cách dễ dàng hơn, từ đó có thể phát triển kinh tế hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư tại địa bàn nông thôn vùng sâu, vùng xa.
Giữa những nét mặt vui mừng của khách hàng và tiếng cười như mời gọi của các cán bộ tín dụng Agribank Kon Tum trong ngày giao dịch, tôi lại nhớ đến lời hứa của ông Phạm Đình Phước trong buổi lễ khai trương: “Agribank Kon Tum sẽ tiếp tục phát triển mở rộng mô hình này trong tương lai”. Hy vọng, các vùng sâu, vùng xa khác trong tỉnh sẽ có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tiện ích hỗ trợ khách hàng của Agribank Kon Tum, giảm thời gian đi lại, vay được những nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định, có đời sống khá giả, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Dương Lê