Mở rộng diện tích trồng cây ăn trái gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm

08/11/2023 13:19

Phát huy tiềm năng đất đai và nhu cầu của thị trường, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp mở rộng diện tích, từng bước xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng hàng hóa gắn với phát triển công nghiệp chế biến.

Chỉ riêng trong năm 2023, toàn tỉnh trồng mới được 1.391,3ha, nâng tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh lên 10.986,3ha; vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra 986,3ha. Trong đó, một số loại cây có diện tích lớn như sầu riêng khoảng 1.600ha, mít gần 1.000ha, bơ khoảng 600ha, cây có múi khoảng 1.100ha. Bước đầu hình thành được một số vùng trồng cây ăn trái chuyên canh tại các địa phương có điều kiện phù hợp và thuận lợi như thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Kon Plông.

Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đưa các loại cây ăn trái vào trồng. Ảnh: TH

 

Đến nay, toàn tỉnh có 15 vùng trồng cây ăn trái với tổng diện tích 287,51ha và 1 mã số cơ sở đóng gói đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số phục vụ xuất khẩu. Các vùng trồng cây ăn trái đều canh tác theo hướng hữu cơ, ghi nhật ký canh tác, sử dụng hệ thống nước tưới, bón phân tự động, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và tiêu thụ ở các kênh bán lẻ hiện đại tại thị trường trong nước. Qua đó, góp phần mang lại thu nhập cao, ổn định cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân.

Cùng với việc mở rộng diện tích và nâng cao về chất lượng, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực chế biến rau củ quả. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm trái cây chế biến còn khiêm tốn, chủ yếu mới dừng lại ở sản phẩm sấy khô, nước ép, quy mô sản xuất nhỏ.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, tỉnh ta còn nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển các loại cây ăn trái. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, tỉnh đã đề ra chủ trương phát triển cây ăn trái theo hướng bền vững, hình thành vùng chuyên canh tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích vùng cây ăn trái tập trung, chuyên canh đạt khoảng 2.000ha; cây ăn trái canh tác hữu cơ, GlobalGAP đạt hơn 200ha với một số loài cây chủ lực. Có ít nhất 35 vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng; 5-10 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trái cây, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 2 nhà máy chế biến trái cây đi vào hoạt động, trong đó hình thành nhà máy chế biến sản phẩm trái cây có công suất 160.000 tấn/năm, tạo các sản phẩm sấy khô, nước ép từ trái cây.

Một số đơn vị sản xuất đã quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm trái cây sấy khô. Ảnh: TH

 

Do đó, ngành Nông nghiệp, các ngành liên quan và các địa phương của tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các vùng trồng chuyên canh cây ăn trái tập trung đối với các loại cây có thế mạnh, giá trị cao và sức tiêu thụ lớn trên thị trường như sầu riêng, chuối, trái cây có múi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi một số diện tích cây trồng mì, cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái; đẩy mạnh thực hiện dồn đổi, tích tụ đất đai gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành vùng trồng nguyên liệu thâm canh quy mô lớn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương.  

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành từ quy trình sản xuất trồng trọt đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm; ứng dụng các mô hình quản lý tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất.

Tăng cường quản lý, bảo vệ thương hiệu, quảng bá hình ảnh, phát triển thị trường để sản phẩm trái cây của Kon Tum được liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, trung tâm chế biến trong và ngoài tỉnh có tiềm lực công nghệ cao, các hệ thống siêu thị trên toàn quốc và hướng đến xuất khẩu.

Mở rộng diện tích gắn liền với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trái cây là hướng đi đúng, đảm bảo sự phát triển bền vững, hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trái cây của tỉnh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người sản xuất và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Thiên Hương

Chuyên mục khác