15/01/2017 14:26
Từ huyện mới Ia H’Drai, xe từ từ lăn bánh, trực chỉ hướng Mô Rai (huyện Sa Thầy). Quốc lộ 14C đang thi công dở dang “hành” chúng tôi bằng những cú xóc tung người, những khúc cua khiến người dồn cả về một bên. Mấy người bạn làm báo “dưới xuôi” cứ thấp thỏm hỏi: Đến chưa? Yên chí lớn đi, sắp rồi - tôi động viên, dù Mô Rai còn xa lắc.
Trong tâm trí của nhiều người, Mô Rai là một vùng “thâm sơn cùng cốc”. Chẳng nói đâu xa, chỉ mới năm ngoái thôi, đường lên Mô Rai còn là nỗi ám ảnh cho bất cứ ai được nếm trải. Mùa mưa, bùn đất lầy lội, trơn trượt, núi rừng sâu hun hút. Mùa khô thì bụi trùm kín người, kín xe, lộc cộc đá tảng, khấp khểnh ổ voi...
Khó khăn là thế, nhưng mảnh đất này luôn vững bền tình yêu cách mạng, với những người con luôn sẵn sàng xả thân bảo vệ Tổ quốc. Chẳng thế mà xã Mô Rai hai lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng; trên Bia tưởng niệm của xã có những liệt sĩ mới vừa tròn 10 tuổi, hầu như gia đình nào cũng có người ghi danh trên Bia.
Rồi cũng đến lúc xe chui qua một vạt rừng rậm rạp, vượt qua một con dốc lọt vào một vùng đất bằng phẳng, tít tắp cao su. Mặt trời hắt những tia nắng cuối cùng lên vạt rừng cao su khiến ngọn cây sáng bừng lên một màu vàng rực, chạy hút tầm mắt. Mô Rai đấy!
Anh bạn ở Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh ngẩn ngơ ngắm, rồi hét toáng lên: Lạ quá đi! Cái gì lạ? Tôi hỏi. Cao su. Ở nơi biên giới núi rừng trùng điệp này mà lại bạt ngàn thì thật lạ. Nếu không phải xung quanh vẫn xanh thẫm núi, bạt ngàn rừng thì cứ ngỡ đang dạo bước trong đồn điền cao su miệt Bình Phước, Bình Dương.
Cao su ở Mô Rai đang trong mùa thay lá. Trên mặt đất đã trải một lớp lá khô, còn trên cây thì lá vàng, lá đỏ chen lẫn lá xanh. Thời gian này, người ta sẽ ngưng thu hoạch mủ, vệ sinh vườn. Không còn vết cứa mới trên thân, hàng cao su đứng im lìm tích tụ sức sống cho mùa sau, chiếc chén nằm úp bên những dòng mủ lâu ngày, chuyển sang màu nâu.
Với vùng biên giới Mô Rai, mùa cao su thay lá còn mang một thông điệp khác: báo hiệu tết đến xuân về. Nhớ tết năm ngoái, đi chúc tết Công ty TNHH MTV 78 (Binh đoàn 15) - đơn vị đứng chân trên vùng núi rừng Mô Rai từ năm 2000 - tôi loáng thoáng nghe Trung tá Trần Đức Niên - Giám đốc Công ty - gọi cao su là loài cây báo Tết.
|
Hình như anh đã nói thế này: Với những người sống giữa đại ngàn, có nhiều thứ phải lo toan, nên thường không để ý đến thời gian, chỉ khi nhìn thấy vườn cao su của mình trụi lá mới giật mình thảng thốt: Trời, vậy là đã tới Tết...
Nói chuyện này, không thể không cảm phục ý chí, nghị lực của những người lính đã đánh thức cả dải đất biên giới bằng màu xanh cao su bạt ngàn hôm nay.
Nguyên Giám đốc Công ty Nguyễn Xuân Minh kể lại: Khi ấy, đại ngàn Mô Rai chỉ có những cánh rừng, không có đường đi, lối lại, hiếm khi gặp bóng người. Về mùa mưa, đất cứ nhão nhoét ra, giao thông chia cắt, vào không dễ mà ra thì càng khó; mùa khô thì bụi thôi rồi là bụi, cứ như người bốc từng vốc ném tung lên trời...
Ngay cả dân các làng cũng không tin cây cao su sống được ở Mô Rai. Người già nói: Chúng tao sống nhờ vào cái Chư Mom Ray này nhiều đời nay rồi, cây cao su lạ như thế sống sao được. Người trẻ lắc đầu: Cây cao su không sống được ở Mô Rai đâu. Thú rừng ăn hết nó.
Thế mà bộ đội trồng được. Các đội sản xuất được hình thành, những lô cao su đầu tiên vươn lá trong ánh nhìn ngỡ ngàng của bà con. Bộ đội còn làm đường, bắc cầu, trồng bắp, trồng mì, dựng trường học, khám chữa bệnh cho dân. Nhiều việc lắm... 7 năm sau, những dòng “vàng trắng” bắt đầu tuôn chảy, đem lại sức bật mới cho vùng biên.
Dân làng tin vào "cái miệng" của bộ đội nói, tin vào "cái tay" của bộ đội làm. Một người mạnh dạn xin vào làm công nhân, nhận khoán vườn cây, rồi nhiều người xin vào, bây giờ có làng - như làng Le - nhà nào cũng có cao su, cuộc sống thay đổi hẳn. Hôm nay, Mô Rai đã có dáng dấp của một thị tứ vùng biên, với điện - đường - trường - trạm khang trang.
Vừa mới nhắc đến làng Le, anh bạn liền đòi đi vào làng cho bằng được, như thể “chưa vào làng Le coi như chưa đến Mô Rai vậy”. Anh thuyết phục Chủ tịch xã Hrách Láo: Mình muốn vào tìm hiểu về phong tục ăn Tết của người Rơ Măm mình. Chủ tịch Hrách Láo gật đầu cái rụp.
|
Đường vào làng Le đã được trải nhựa, những ngôi nhà ngói xen kẽ nhà sàn đơn sơ yên bình nằm bên dốc, mái nhà rông nổi giữa nền trời đen thẫm.
Là nơi cư trú của hơn 100 hộ gia đình người Rơ Măm - 1 trong 3 dân tộc có số người ít nhất (chỉ hơn dân tộc Brâu và dân tộc Ơ Đu), với chưa tới 500 nhân khẩu, trong những năm qua, làng Le đã được sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Nhà nước.
Nhưng quan trọng hơn, người Rơ Măm đã biết tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ. Nghe trưởng thôn A Dói khoe: hiện làng đã có 10ha mì, 80ha lúa nước, 11ha cao su; heo, bò, dê, gà… đủ cả; hơn 97% số hộ có xe máy, 100% số hộ có ti vi.
Từ trồng cao su, nhiều hộ gia đình trong làng đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, có “của ăn của để”, điển hình như hộ gia đình A Glong, Rơ Chăm H’len… Làng Le được công nhận là "Làng văn hóa" cấp tỉnh.
Đêm làng Le trong veo, lửa đã rực hồng, ghè rượu đã nồng thơm men lá mời gọi, trưởng thôn A Dói rủ rỉ kể cho anh bạn tôi nghe về chuyện tết ở làng.
Trước đây, người Rơ Măm ăn tết theo vòng đời và vòng cây, nhưng những năm gần đây, bà con đã ăn Tết Nguyên đán sau một năm lao động vất vả.
Bây giờ đời sống no đủ hơn nên từ trước tết, nhà nào cũng chuẩn bị vài ba ghè rượu, mua bánh mứt, chung nhau mổ heo, bắt cá suối để tiếp khách. Nhiều nhà còn kỳ công làm món ăn truyền thống của người Rơ Măm là đọt mây nấu cá nhép, khách lỡ say, ăn vào giải rượu, tốt vô cùng.
Trong 3 ngày tết, dân làng đến thăm nhà nhau, đi thăm các gia đình công nhân ở các đội sản xuất, cùng nhau cầu chúc một năm mới tốt lành. Đến ngày mùng 4 Tết là chuyện vui chơi, ăn uống sẽ dừng lại, làng tổ chức ra quân đầu năm, lấy khí thế cho một năm mới- A Dói cho biết.
Vít cong cần rượu, mắt trưởng thôn A Dói lim dim: Ngày tết, làng Le không thể thiếu vắng tiếng chiêng ngân vang. Ở làng Le bây giờ còn tới gần 100 bộ chiêng, trong đó có tới 20 bộ chiêng Lào vô cùng quý hiếm. Hàng ngày, sau những giờ lao động vất vả, người già lại truyền dạy cho lớp trẻ cách đánh chiêng, nhất là những bài chiêng dùng trong các lễ hội của dân tộc mình. Nếu nhà báo lên đúng vào ngày tết, sẽ được xem, được nghe lũ trẻ biểu diễn chiêng...
Hương rượu cần vẫn lan tỏa giữa rừng cao su xào xạc “thay áo”. Những thân cây mốc thếch vươn cành khẳng khiu, trơ trụi, nhưng bên trong đang cuộn chảy một sức sống sung mãn, chỉ chờ đến ngày xuân là bung lên mầm nụ mới. Tôi cầm chiếc lá vàng rực bất chợt sa vào tay mình, lòng bâng khuâng tưởng như đang cầm trên tay tiếng vọng của đất qua màu sương khói tháng năm…
Mùa xuân đang về với Mô Rai!
Thành Hưng